Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng chiêu bài dân chủ để chống phá cách mạng nước ta

Thời gian qua, các các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, thù địch và phản động ở trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh và kiên trì lợi dụng chiêu bài “dân chủ” để công kích trực tiếp, trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ảnh minh họa

Thủ đoạn dễ thấy nhất của chúng là lợi dụng Internet, mạng xã hội để đăng tải các bài viết tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, cố tình bôi nhọ tình hình dân chủ ở nước ta. Họ sưu tầm, lượm lặt một số hiện tượng còn tồn tại, những hạn chế, một số vụ việc thiếu dân chủ, nhất là là những vụ án, vụ việc mà cá nhân lãnh đạo vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ rồi quy chụp cho đó là lỗi cơ chế, là lỗi hệ thống. Đây là sự quy kết hoàn toàn sai lệch, không vì một vài hiện tượng sai lệch mà kết luận đó là lỗi hệ thống được. Với Việt Nam, việc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa thì tất yếu còn nhiều tàn dư của xã hội cũ để lại chưa dễ gì xóa bỏ ngay được. Việc xảy ra những vấn đề mất dân chủ chỗ này, chỗ kia là biểu hiện của tồn tại xã hội mà chúng ta đang đấu tranh, ngăn ngừa, cải tạo, xây dựng giữa cái cũ và cái mới, đó không phải là bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị núp bóng dưới danh nghĩa các nhà đấu tranh “dân chủ”, “nhân quyền” còn tích cực tuyên truyền cổ súy cho xã hội dân chủ phương Tây và cho rằng: dân chủ là phải đa nguyên, đa đảng như các nước Âu, Mỹ, nhưng thực tế không phải là như vậy. Những minh chứng hết sức rõ ràng mà ai cũng thấy đó là ở một số nước tư bản mà điển hình là Mỹ được mệnh danh là “thiên đường dân chủ”, trong suốt hàng trăm năm qua kể từ khi ra đời tồn tại nhiều đảng phái, nhưng thực chất chỉ có hai đảng lớn nhất của giai cấp tư sản thay nhau cầm quyền là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Mặc dù, là hai đảng thay nhau cầm quyền, nhưng khó ai có thể tìm thấy sự khác nhau về bản chất, về lập trường giai cấp và hệ tư tưởng giữa hai đảng; sự khác nhau đó chỉ là ở tên gọi và một số chính sách nhất định mà thôi.

Còn ở Việt Nam chúng ta, dân chủ được hiểu là quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình một cách toàn vẹn. Nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân bầu ra một cách dân chủ, công khai và vì lợi ích của nhân dân. Quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân lao động và được quyết định bởi chính nhân dân. Thể chế chính trị, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chống lại tất cả những gì xâm phạm và làm tổn hại tới quyền dân chủ của nhân dân lao động. Do đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu cao cả, vừa là động lực của sự phát triển xã hội và tiến bộ toàn diện không ngừng của nhân dân, đất nước.

Như vậy, những luận điệu xuyên tạc, vu cáo chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây không có dân chủ; luận điệu cổ súy xã hội dân chủ tư sản phương Tây, thúc đẩy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi thực hiện nhà nước “tam quyền phân lập” là âm mưu, thủ đoạn hết sức xảo quyệt nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội ta. Vì vậy, chúng ta cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, tránh bị lôi cuốn vào những thông tin sai lệch của bọn chúng, dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin đối với Đảng và Nhà nước ta.

(NV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.