Bên kia bờ ảo vọng

Đầu tháng 11, các trang tin phản động ở hải ngoại liên tục đăng tải thông tin cựu luật sư Võ An Đôn và gia đình đã đến Mỹ định cư theo diện tị nạn chính trị. Đây là cách làm quen thuộc của các trang tin phản động, nhân cơ hội này khai thác ầm ĩ, xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở Việt Nam, để rồi sau đó tất cả rơi vào quên lãng, mặc cho các “nhà dân chủ” tự nuôi ảo vọng xứ người.

Việc Võ An Đôn và gia đình được các trang tin có truyền thống chống phá Việt Nam săn đón, đưa tin chỉ vì lý do duy nhất: Đây là đối tượng có một quá trình dài mượn tiếng “đấu tranh dân chủ” để chống phá Đảng, Nhà nước. Việc đưa tin này cũng từng được thực hiện đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài… cốt khai thác lần cuối những gì liên quan đến các nhân vật chống đối này, nhằm móc xoáy, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Về sau, các trang tin phản động cũng chẳng để mắt tới. Họ chỉ quan tâm bảo trợ và tung hô những nhân vật chống đối, bất mãn hiện đang ở Việt Nam. Khi đó, những miếng chanh đã bị vắt hết nước phải tự quyết định số phận.

Ảo vọng xứ người

Mang ảo vọng qua xứ người, vừa đến Mỹ, Võ An Đôn đã lên facebook cá nhân kêu gọi: “Các luật sư Việt Nam đang tị nạn tại Mỹ thành lập “Đoàn Luật Sư Việt Nam Hải Ngoại” và “Phiên Tòa Nhân Dân”. Nhằm mục đích khai dân trí, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân trong nước và lên tiếng với những bất công của xã hội Việt Nam. “Phiên Tòa Nhân Dân” do các luật sư lập, xét xử bất kỳ quan chức nào trong bộ máy chính quyền Việt Nam vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam…”.

Võ An Đôn vừa đăng lên, đã có người vào bình luận: “Tòa án nước nào chỉ có thẩm quyền trong nước đó. Ai đâu rảnh đi làm mấy chuyện này!”. Và rồi lời kêu gọi lạc lõng y như viên sỏi rơi tõm xuống ao bèo. Có lẽ Đôn chưa thấm thía, khi qua đến xứ này, Đôn chỉ là một trong số hàng triệu người nhập cư, vốn là vấn đề nóng bỏng đang chia rẽ nước Mỹ vì xã hội phải nai lưng ra nuôi chứ cũng chả danh giá gì.

Nhiều người biết Võ An Đôn đều tiếc cho người này. Sinh ra trong một gia đình nền nếp, được ăn học tử tế, là Trưởng văn phòng luật sư Võ An Đôn, từng tham gia bào chữa thành công một vài vụ tạo được sự chú ý của dư luận xã hội. Tiếc thay, không hiểu vì mờ mắt trước những lời tâng bốc nghĩ mình là vĩ nhân không gặp thời, hay bị đám phản động móc nối, hứa hẹn mà sau đó, Võ An Đôn lại lầm đường lạc lối, bước chân vào con đường “đấu tranh dân chủ”… quay ra chống đối chính quyền, thường xuyên đăng tải các bài viết, phỏng vấn có nội dung xuyên tạc tình hình, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Một trong những vụ việc này là ngày 28/10/2016, Võ An Đôn đăng lại clip trên trang facebook của mình, vu cáo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “57 xe nối đuôi nhau đưa Chủ tịch Quốc hội về thăm quê”. Khi cơ quan chức năng xác minh thông tin, thì ngày 28/10/2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang chủ trì Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Võ An Đôn có lấp liếm xin lỗi trên facebook.

Võ An Đôn liên tục cùng với những luật sư lắm tai tiếng tham gia bào chữa cho hàng loạt đối tượng có hoạt động chống đối chính quyền như: Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… Đôn còn nhiều lần trả lời phỏng vấn các đài phản động nước ngoài với những nội dung vu khống, xuyên tạc chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Tấm gương tày liếp

Chuyện các nhà “dân chủ” vỡ mộng về cuộc sống trời Tây chả phải hiếm hoi gì. Ảo mộng về thế giới tự do của Võ An Đôn khiến người viết nhớ lại trường hợp của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm, ở Khánh Hòa). Mà trong làng “dân chủ” thì tên tuổi Võ An Đôn chưa là gì so với Quỳnh.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong những thành viên sáng lập ra tổ chức “Mạng lưới blogger Việt Nam”, một tổ chức lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tuyên truyền, xuyên tạc, đả kích chính quyền, chống phá Nhà nước. Năm 2014, Quỳnh sao chép, thu thập từ các trang mạng và thông tin trên báo, tập hợp 31 trường hợp người chết trong trại tạm giữ sau khi làm việc với công an, làm ra tập hồ sơ có tên gọi “Stop police killing civilians” (tạm dịch là: Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường). Ngày 19/4/2014, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh dự định tổ chức sự kiện Cà phê nhân quyền lần 3 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa thì bị phát hiện. Từ năm 2009-2016, Quỳnh đã bị bắt giữ nhiều lần do tham gia các hoạt động chống đối, gây rối trật tự công cộng.

Trên mạng xã hội ồn ào về việc ngày 10/4/2015, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được một tổ chức dân sự ở châu Âu có tên gọi Civil Rights Defenders vinh danh là “Người bảo vệ dân quyền 2015”. Sau này, khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét nhà của Quỳnh mới lòi ra chuyện sử dụng tiền thưởng 50.000 Euro cho mục đích cá nhân, khiến những thành viên trong mạng lưới tức tối chửi “đồ ăn chặn”. Kết quả giám định của cơ quan chức năng cho thấy, từ năm 2010, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tạo lập tài khoản facebook có tên Mẹ Nấm. Tại cơ quan công an, bà Quỳnh khẳng định toàn bộ nội dung trên facebook này là do tự mình soạn thảo, đăng tải, chia sẻ ở chế độ công khai. Tài khoản facebook này có khoảng 5.000 bạn bè và hàng ngàn lượt theo dõi.

Thế nhưng, sau khi được bảo lãnh ra nước ngoài từ năm 2018, gần như các thông tin về Mẹ Nấm đã không còn xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Mới đây nhất trên facebook của mình, Quỳnh đăng vụ công an khởi tố “nhà môi trường” Hoàng Minh Hồng trốn thuế mà các nước phương Tây lên tiếng ầm ĩ, sau hơn 50 ngày vẻn vẹn được hơn 130 lượt like, 13 bình luận và 8 lượt chia sẻ. Thế còn thuộc loại khá, chứ bình quân mỗi status của Quỳnh trên facebook chỉ vài chục lượt like. Một “nhà dân chủ” có bề dày hoạt động chống phá còn như thế, thử hỏi cỡ Võ An Đôn được mấy người quan tâm.

Như con tốt lụt

Những “nhà dân chủ” Việt Nam khi còn trong nước thì được các tổ chức phản động tung hô, gán cho đủ những danh hiệu mỹ miều, tranh thủ phỏng vấn, coi như những “tấm gương”, những “ngọn cờ” đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền. Các tổ chức này còn bỏ tiền tài trợ cho những thông tin xuyên tạc, chống đối Đảng và Nhà nước Việt Nam trên báo đài hải ngoại và mạng xã hội. Khi các đối tượng vi phạm luật pháp, bị cơ quan chức năng xử lý thì kêu gọi bảo vệ, gây ồn ào dư luận nhằm kích động, chống phá. Đến khi được bảo lãnh ra định cư ở nước ngoài thì lặng lẽ chìm vào quên lãng. Điều đơn giản mà họ không nhận thức được là họ đã hết vai trò.

Bởi còn ở trong nước thì những thông tin xuyên tạc, bóp méo nhằm chống phá Nhà nước mới có giá trị, mới được gán cho là “ngọn cờ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, mới có cớ để vu cáo chính quyền o ép các “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động”… Qua đến xứ người, họ trở thành con tốt lụt trên bàn cờ chính trị. Những người chơi cờ đều biết, khi con tốt sang sông, tiến đến vạch cuối cùng gọi là tốt lụt thì chẳng còn mấy tác dụng. Tính thực dụng của những “ông chủ” lập tức được kích hoạt, là chỉ trả tiền cho các phần tử chống đối, phản động ở trong nước.

Tiếc cho một người lẽ ra đã trở thành một công dân tốt, một luật sư có triển vọng. Ảo vọng cá nhân đã khiến Võ An Đôn đánh mất mình, nay vẫn chưa tỉnh cơn mê, còn mơ mộng về những cái gọi là “Đoàn Luật Sư Việt Nam Hải Ngoại” và những “Phiên Tòa Nhân Dân”. Một thời gian nữa, rất nhanh thôi, sẽ không còn ai nhớ đến con người vong quốc ấy.

HUYỀN TRÂN/PYO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.