“Bình loạn”!

Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, nhờ mạng xã hội mà các cơ quan chức năng của Nhà nước đã truyền tải thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách, biện pháp phòng chống dịch đến với người dân một cách nhanh nhất. Đồng thời, cũng nhờ mạng xã hội, nhiều người đã tham gia bình luận, phản biện có trách nhiệm giúp các cơ quan chức năng điều chỉnh các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch bệnh ngày càng phù hợp hơn với thực tế, với điều kiện của từng vùng, miền khác nhau. Song, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện rất nhiều bình luận, xuyên tạc, chống phá, thiếu trách nhiệm, phi khoa học theo kiểu “bình loạn”, gây nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang, phân tâm trong quần chúng Nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19.

Với dã tâm độc ác, không muốn đất nước ta đẩy lùi, ngăn chặn được dịch bệnh, các thế lực thù địch, đối tượng phản động luôn tìm đủ mọi cách để xuyên tạp, phê phán thiếu thiện chí các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch của Nhà nước ta. Thủ đoạn phổ biến của bọn chúng là: mạo danh chuyên gia y tế, chuyên gia dịch tễ, nhà khoa học viết nhiều bài viết “nguỵ khoa học” để tung lên mạng xã hội theo hướng phân tích, bình luận thiếu thiện chí về diễn biến tình hình dịch bệnh ở nước ta nói chung, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nói riêng; “phản biện”, bình luận, phê phán không có căn cứ khoa học, cho rằng các biện pháp phòng chống dịch của ta là theo kiểu “ngăn sông, cấm chợ”; thổi phồng tình hình dịch bệnh, “tô đậm” số ca nhiễm bệnh, tử vong, tình hình người dân thiếu lương thực, thực phẩm; thu thập thông tin, hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng internet, rồi tiến hành cắt xén, nhào nặn, thiêu dệt, dàn dựng nhiều bài viết, video, clip theo ý đồ, kịch bản của bọn chúng, tung lên mạng xã hội làm “mồi nhử” để thu hút đồng bọn, lừa bịp, lôi kéo những “công dân mạng” thiếu thông tin tham gia bình luận, xuyên tạc, chống phá, gây nhiễu loạn thông tin, hòng làm cho Nhân dân hoang mang, thiếu tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch của Đảng và Nhà nước.

Mặt khác, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số phần tử cơ hội muốn được nổi tiếng bằng mọi giá, muốn thể hiện mình là người có trình độ, hiểu biết hơn người cũng đã tiến hành “sản xuất”, tung lên mạng xã hội nhiều bài viết theo kiểu “hiến kế” các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh không có căn cứ khoa học, phản khoa học, thậm chí gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của người dân. Cá biệt, có trường hợp tự dàn dựng clip với nội dung tự nhận mình là người từng bị nhiễm bệnh COVID-19 và đã “tự nghiên cứu thành công” phương pháp, pháp đồ điều trị bệnh với nội dung rất hoang đường nhằm thu hút nhiều người tham gia “bình loạn” để câu viwe, câu like, phục vụ cho mục đích thu lợi bất chính trên không gian mạng. Nhưng buồn cười nhất vẫn là những “anh hùng bàn phím”, chạy theo xu hướng đám đông theo kiểu “bầy đàn”, a dua, a tòng, sĩ diện hão nên đã luôn “nhiệt tình” tham gia nhận xét, đánh giá, “bình loạn” các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch với nhiều nội dung “như đúng rồi”, trong khi bản thân chẳng có một chút kiến thức, hiểu biết gì về dịch bệnh.

Cho đến thời điểm này, thực tiễn đã chứng minh các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sẽ phát huy tác dụng, phù hợp với tình hình thực tế, khả năng, điều kiện và diễn biến của dịch bệnh. Đảng, Nhà nước ta luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẵn sàng tiếp thu các ý kiến, đóng góp, phản biện, bình luận có trách nhiệm của các nhà khoa học, chuyên gia y tế và của tất cả người dân để xây dựng, điều chỉnh các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng cũng sẽ xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật đối với bất kỳ ai đăng tải, chia sẻ các thông tin, nhận xét, đánh giá, có nội dung hoang đường, phi khoa học, bịa đặt, sai sự thật, vi phạm pháp luật, “bình loạn” gây hoang mang cho quần chúng Nhân dân, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

  Duy Quang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.