LỢI DỤNG CUỘC CHIẾN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐỂ THÚC ĐẨY “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” – MỘT THỦ ĐOẠN THÂM ĐỘC

Thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta là chiêu trò thường thấy trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Hiện nay, lợi dụng các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên cũng như kết quả phòng, chống vấn nạn này để chống phá là thủ đoạn rất thâm độc và nguy hiểm. Vì vậy, nhận diện và kiên quyết đấu tranh với những thủ đoạn đó, góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, sự ổn định chính trị của đất nước và củng cố niềm tin của nhân dân là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng.

Tham nhũng, tiêu cực và “diễn biến hòa bình” là hai trong bốn nguy cơ đã được Đảng ta chỉ ra từ giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 01/1994), đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”1. Tuy hai nguy cơ này xuất phát từ hai chủ thể khác nhau, một là từ chiến lược phản động của các thế lực thù địch bên ngoài, một là “giặc nội xâm”, nhưng lại có quan hệ với nhau rất chặt chẽ. Một trong những trọng tâm của chiến lược “Diễn biến hòa bình” là thúc đẩy suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mà tham nhũng, tiêu cực là một trong những biểu hiện của nó. Đồng thời, các thế lực thù địch lại triệt để lợi dụng chính các hành vi, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tạo ra các hoạt động chống phá trong chiến lược của họ. Đây thực sự là một thủ đoạn hết sức thâm độc của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta.

Để thực hiện mưu đồ đó, họ đưa ra các luận điệu xuyên tạc rằng: “tham nhũng là vấn đề thuộc bản chất của chế độ một đảng ở Việt Nam”; hoặc “Việt Nam không thể phòng, chống tham nhũng thành công; Việt Nam càng chống, tham nhũng càng nặng, bởi vì đó là căn bệnh kinh niên của chế độ một đảng cầm quyền”. Họ còn cho rằng, thực chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ”, “triệt hạ lẫn nhau” trong Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v. Từ đó, họ công kích chế độ, kêu gọi Việt Nam phải thay đổi thể chế chính trị, thực hiện đa đảng, tam quyền phân lập,… thì mới có thể chống được tham nhũng, tiêu cực.

Cần khẳng định rõ, những luận điệu trên là hết sức thâm độc, xảo trá, phản động, xuyên tạc những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hòng chia rẽ nội bộ Đảng và hệ thống chính trị, gây phân tâm trong xã hội, làm giảm sút ý chí, lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, từng bước hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục đích của họ là từng bước phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Vậy tại sao các thế lực thù địch lại lợi dụng, xoáy sâu vào vấn đề tham nhũng, tiêu cực? Bởi vì, đây luôn là vấn đề “rất nóng”, được dư luận hết sức quan tâm; đó còn là biểu hiện tập trung nhất, rõ ràng nhất của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; là “nguyên liệu”, “mảnh đất màu mỡ”, “cái cớ” để các thế lực thù địch, cơ hội, những kẻ “trở cờ”, bất mãn với chế độ sử dụng tối đa nhằm thổi phồng khuyết điểm, bôi nhọ, xuyên tạc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; bản chất giai cấp công nhân, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác, đấu tranh loại trừ tham nhũng, tiêu cực vốn đã là khó khăn, lâu dài, gay go, quyết liệt, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, nó là “giặc nội xâm”, nhiệm vụ chống lại nó “cũng cần kíp như đánh giặc trên mặt trận” thì các luận điệu này càng làm cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thêm khó khăn, phức tạp, thậm chí nhiễu loạn trong nhân dân, chia rẽ nội bộ, nghi kỵ lẫn nhau trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu chúng ta không tỉnh táo, không phân biệt đúng, sai, thật, giả, sẽ rất dễ mắc bẫy của kẻ thù; mà hậu quả là bất ổn về kinh tế, chính trị, thậm chí rối loạn, dẫn đến mất vai trò lãnh đạo của Đảng, sụp đổ chế độ. Vì vậy, cần nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc sai trái, lợi dung cuộc chiến này để thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.

Chúng ta đều biết, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với quyền lực, là “khuyết tật bẩm sinh”, sự tha hóa của quyền lực mà bất kể chế độ xã hội nào trên thế giới cũng đều phải đương đầu với nó. Chính vì thế, tham nhũng không phải là sản phẩm riêng có của chế độ “độc đảng”, hay “bản chất” của thể chế nhất nguyên chính trị như các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc, rêu rao. Thực tiễn đã chứng minh, dù là các nước phát triển, đang phát triển, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, như: Nhật Bản, Hàn Quốc; hay nhất nguyên chính trị như Trung Quốc, hoặc như các nước có nền kinh tế phát triển cao, thực hiện tam quyền phân lập như ở châu Âu, Bắc Mỹ,… cũng đã và đang phải đương đầu với tệ tham nhũng. Tham nhũng đã từng làm rối ren xã hội, khuynh đảo thể chế chính trị, thậm chí là sụp đổ chính quyền ở một số nước trên thế giới.

Hiện nay, dù có những cách hiểu và diễn đạt khác nhau, nhưng tựu trung lại, đều thống nhất: tham nhũng luôn gắn liền với quyền lực và lợi ích cá nhân; tham ô, tham nhũng đều có bản chất, nguồn gốc là hành vi của những người có chức, có quyền, lợi dụng chức, quyền đó cấu kết để tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái pháp luật để vụ lợi; lấy “của công làm của tư”, bòn rút ngân sách của nhà nước, tài sản của tập thể để làm của tư, hoặc của một nhóm người. Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) hằng năm cho thấy, tình trạng tham nhũng diễn ra ở rất nhiều nước trên thế giới, nếu năm 2020, với hơn 2/3 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá chỉ đạt điểm dưới 50 trên thang điểm 100, thì năm 2022, mặc dù có tiến bộ ở nhiều nước, nhưng vẫn không khả quan. Theo thang điểm từ 0 (tham nhũng cao) đến 100 (rất minh bạch), thì chưa có nước nào đạt 100 điểm, cao nhất cũng chỉ đạt 90 điểm (Đan Mạch)2. Ở nhiều nước có chế độ đa đảng, thường xuyên được xếp hàng cao của thế giới về chống tham nhũng, như: Phần Lan, New Zealand, Singapore, Thụy Điển, Na Uy, Úc, Canada,… nơi được cho là dân chủ, minh bạch và có các quy định rất chặt chẽ về phòng, chống tham nhũng, nhưng tham nhũng vẫn còn tồn tại, thậm chí trầm trọng hơn nhiều nước khác. Trên thực tế, đã có nhiều quan chức cấp cao, cả nguyên thủ quốc gia của một số nước phát triển cũng “dính” vào tham nhũng, bị pháp luật xử lý.

Vì lẽ đó, tham nhũng là hiện tượng kinh tế – xã hội, được cho là “quốc tế nạn”, là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực diễn ra ở tất cả các quốc gia, bất kể theo thể chế chính trị nào, một đảng hay đa đảng. Nó xảy ra ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nếu có khác biệt, thì chỉ là ở mức độ và ảnh hưởng nhiều hay ít mà thôi.

Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn coi tham ô, tham nhũng, lãng phí là “giặc nội xâm”. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và chính phủ”3. Vì vậy, nó rất nguy hiểm, thậm chí là nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, bởi nó nảy sinh, tồn tại, phát triển một cách ngấm ngầm ngay trong hàng ngũ của chúng ta, nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ, trên tất cả các lĩnh vực, gắn liền với quyền lực, chức vụ, nơi mà hầu hết do đảng viên của Đảng đảm nhiệm. Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư là Trưởng ban, đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 10 năm (từ năm 2012 đến 2022), cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 5/2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 452 vụ án/1.409 bị can về các tội tham nhũng (tăng 155 vụ/727 bị can so cùng kỳ năm 2022).

Kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Cũng có nghĩa, không hề có chuyện “phe phái”, “đấu đá, thanh trừng nội bộ”; tất cả, dù là ai, làm gì, ở đâu, khi sai phạm đều bị xử lý nghiêm khắc. Chính những hành động quyết liệt, kiên trì, bền bỉ, bài bản, thận trọng, chắc chắn và kết quả đạt được của Việt Nam, mà trong báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2022, Việt Nam tăng 03 điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 và tiến 10 bậc trên bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2021, lên 77/180, thuộc nhóm nước có tiến bộ nổi bật, cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam những năm qua4. Các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, cho rằng: công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam hiện nay là “mạnh mẽ hơn lúc nào hết”; “Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đang phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và theo một cách có hệ thống”.

Như vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhận rõ tính chất nguy hại của tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, với ý chí, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao; với tinh thần đấu tranh không “ngừng”, không “nghỉ” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đây chính là minh chứng sinh động, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng cuộc chiến này để thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN VĂN THÀNH, Học viện Quốc phòng/TCQPTD
________________

1 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I,  Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 93.

2 – Xem: Corruption perceptions index 2022 – https://www.transparency.org.

3 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG,       H. 2011, tr. 357.

4 – Xem: Corruption perceptions index 2022 – https://www.transparency.org.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *