Bóp méo, xuyên tạc lịch sử là có tội với dân tộc

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vừa kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021). Trong dịp này, trên BBC tiếng Việt và một vài mạng xã hội xuất hiện luận điệu trắng trợn bóp méo, xuyên tạc vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng.

Đoàn xe tăng húc đổ cổng chính, tiến vào chiếm Dinh Độc Lập sáng 30/4. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe 843, lấy lá cờ Tổ quốc trên xe của mình treo lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11h30 (ảnh tư liệu).

Chúng ta chẳng lạ gì chiêu trò ấy, bởi đổi trắng thay đen, bóp méo, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận công lao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và các bậc tiền bối đã thành bản chất của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Nhưng dù giở chiêu trò gì đi chăng nữa thì những kẻ mang tâm địa xấu xa, dã tâm đen tối cũng không bao giờ phủ nhận được tài thao lược, cùng với bản lĩnh cầm quân kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngược dòng lịch sử trở lại ngày 7-5-1954 quân và dân ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nhắc đến cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới phải ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lợi dụng thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam. Đất nước ta sau ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (4-1954) tạm bị chia thành hai miền Nam – Bắc. Cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược đó là cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Một lần nữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cả dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.

Năm 1959, cách mạng miền Nam có những diễn biến mới, đặc biệt là phong trào đồng khởi phát triển mạnh, lan rộng khắc các tỉnh, thành phố. Để đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Tổng Quân ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thành lập Đoàn 559 mở “đường Hồ Chí Minh” trên bộ chạy dọc dãy Trường Sơn, rồi sau đó là “đường Hồ Chí Minh” trên biển với sự ra đời của Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125). Tuyến đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển đã trở thành “huyết mạch” cực kỳ quan trọng cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tư lệnh đã lãnh đạo, chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam lập nhiều chiến công vang dội trên khắp hai miền Nam – Bắc, đánh bại các cuộc leo thang đánh phá miền Bắc bằng hải quân và không quân của đế quốc Mỹ; đập tan các kiểu chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam… Những kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari (ngày 27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Sau Hiệp định Paris, đế quốc Mỹ rút quân về nước, tình hình chiến trường miền Nam đã có những diễn biến thuận lợi cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhận thấy thời cơ đến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất với Bộ Chính trị và ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam, trước hết là giải phóng Tây Nguyên, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 – Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã xây dựng nên một thế trận giải phóng miền Nam với mưu kế kỳ diệu: Căng địch ra ở hai đầu chiến tuyến, kìm địch ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn… khiến cho chúng bộc lộ sơ hở ở Tây Nguyên và rơi vào thế trận đã sắp đặt của ta. Để phá vỡ phòng thủ của địch ở Tây Nguyên nhanh chóng, chuyển hóa cả thế và lực cho toàn chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng suốt quyết định điều thêm 2 sư đoàn cho mặt trận Tây Nguyên. Từ chỗ chỉ có 2 sư đoàn, đến mùa Xuân 1975, mặt trận Tây Nguyên đã có tới 4 sư đoàn và thực sự trở thành quả đấm chủ lực đánh mạnh vào đối phương. Đúng như dự kiến, các sư đoàn đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin tưởng giao cho. 

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh, quân ta thừa thắng xông lên đánh bại sự phản kích của địch, tiêu diệt Sư đoàn 23 dẫn đến sự bùng nổ về chiến thuật và tạo ra phản ứng dây chuyền, làm cho địch ở Pleiku và Kon Tum chưa bị đánh đã tháo chạy. Sự đột biến về chiến dịch cũng được tạo ra sau phản ứng dây chuyền này. Một cục diện chiến tranh mới mở ra, đẩy quân địch ở Tây Nguyên vào thế hỗn loạn về chiến lược và suy sụp nhanh chóng về tinh thần.

Ngay từ khi chuẩn bị giải phóng Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tính toán đến khả năng: Nếu địch bị thua đau ở Tây Nguyên, chúng có thể sẽ rút chạy về co cụm ở đồng bằng. Thực tế chiến trường đã diễn ra đúng như vậy. Nắm bắt thời cơ đó, chúng ta đã chủ động mở tiếp Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; thống nhất đất nước!” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là mệnh lệnh chỉ huy các cánh quân mà đó còn là tiếng kèn xung trận, sự kết tinh của một tư duy quân sự thiên tài, qua đó góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Công lao và đóng góp của thiên tài quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975 nói riêng là không thể phủ nhận. Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta không bao giờ lãng quên công lao to lớn của các bậc tiền bối và những người có công với cách mạng, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Trong thời kỳ hội nhập, những thành quả mà ông cha ta đã lập nên, đã đúc kết, truyền dạy và mong muốn lớp cháu con giữ gìn, phát huy càng được khẳng định và không gì có thể thay thế được. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không muốn nhắc nhiều về những đau thương, hy sinh, mất mát trong thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc. Quan điểm nhất quá của chúng ta là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Nhưng “khép lại quá khứ” không có nghĩa là “quên quá khứ” và càng không phải là bóp méo, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận công lao của lớp người đi trước. Quên công lao của tổ tiên, của các bập tiền nhân, của thế hệ đi trước, không biết đến những năm tháng bi tráng, hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, điều đó là vô cùng nguy hại. 

Trong phạm vi hẹp với mỗi gia đình, nếu lớp cháu con không biết kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ; không biết giữ gìn, phát huy những gì mà những người đi trước đã đổ mồ hôi, công sức và cả xương máu để xây dựng, vun đắp thì nền móng đạo lý của gia đình ấy sớm muộn cũng lung lay và đổ vỡ… Suy rộng đối với mỗi quốc gia cũng vậy. Sẽ là thảm họa, bi kịch đối với tiền đồ, tương lai đất nước nếu thế hệ đi sau thờ ơ, thậm chí bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận công lao của thế hệ trước, đi quay lưng với lịch sử dân tộc. Trong thâm tâm mỗi chúng ta không ai mong đất nước xảy ra chiến tranh, nhưng giặc xâm lăng đã buộc chúng ta phải đứng lên cầm súng chiến đấu để giải phóng dân tộc, bảo vệ giang sơn, bờ cõi…Và lịch sử dân tộc ta thời nào cũng vậy đều xuất hiện những anh hùng hào kiệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những con người như vậy. Thử hỏi nếu thế hệ ông cha, lớp người đi trước không đổ máu hy sinh, đóng góp công sức giữ gìn và dựng xây đất nước thì làm sao chúng ta có được cuộc sống hòa bình, ấm nó, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay? 

“Ôn cố tri tân” vừa là nét đẹp văn hóa, vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta. Tương lai của đất nước chỉ có thể tươi sáng, cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do và hạnh phúc của nhân dân chỉ vững bền và phát triển nếu chúng ta biết trân trọng công lao của những anh hùng hào kiệt như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi nhà lớn Việt Nam không có chỗ cho những giọng điệu lạc lõng của những kẻ lạc loài như những con rắn độc đang cố tình len lỏi với những âm mưu thủ đoạn chống phá, nhằm phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận công lao của ông cha và thế hệ đi trước./.

Đại tá, Nhà báo PHÙNG KIM LÂN/TG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *