Các tham luận tại Ðại hội XIII tâm huyết, sâu sắc, thẳng thắn, giàu tính thực tiễn
Trong những ngày 27, 28, 29/1/2021, có gần 40 tham luận trình bày tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bên lề Đại hội, nhiều đại biểu đánh giá các tham luận rất sâu sắc, thẳng thắn và có tính thực tiễn cao, thể hiện quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn:
Qua hai ngày trình bày tham luận tại Đại hội XIII, chúng tôi nhận thấy các đại biểu đều rất trách nhiệm, kỹ càng. Các bài tham luận đều nói lên tiếng nói của ngành, của lĩnh vực, của địa phương để làm rõ hơn những quan điểm đã được trình bày trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII. Những thông tin các đại biểu trình bày tại đại hội đều có giá trị thực tiễn hết sức phong phú và sẽ góp phần để hoàn thiện dự thảo văn kiện trước khi đại hội biểu quyết, đồng thời cũng là những thông tin hết sức phong phú để chúng ta có thể xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, từng đơn vị.
Không khí thảo luận tại đại hội hết sức dân chủ, Đoàn Chủ tịch đã tạo cho các đại biểu đại hội một không gian mở để có thể trình bày được đầy đủ những quan điểm, suy nghĩ. Các đại biểu đều tán thành cao với những nội dung trong dự thảo văn kiện đã được trình bày đồng thời cũng có thêm những đề xuất, kiến nghị làm cụ thể hơn, rõ hơn những giải pháp nghị quyết đại hội đã đề ra. Chúng tôi tin tưởng rằng với không khí thảo luận như vậy, chất lượng văn kiện sẽ được nâng lên, có tính thực tiễn cao và sớm đi vào cuộc sống.
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái:
Theo dõi các phiên thảo luận trong hai ngày qua, chúng tôi đều cảm nhận một không khí thảo luận rất dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu đã mang tinh thần khí thế từ các Hội nghị Trung ương lần thứ 10-15 đến Đại hội như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Các bài tham luận đều thể hiện tính khái quát cao nhưng cũng đi thẳng vào những vấn đề theo gợi ý của Đoàn Chủ tịch.
Các khía cạnh lĩnh vực tham luận cũng rất phong phú, đa dạng. Chúng tôi cho rằng những người được bố trí trình bày tham luận hoặc những đại biểu ngồi theo dõi quá trình tham luận đều cảm nhận được một không khí chính trị, khí thế, quyết tâm, động lực mới của toàn Đảng, toàn dân mong muốn để Đại hội lần thứ XIII thật sự trở thành một Đại hội của đổi mới với quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chúng tôi rất tâm đắc khi trong văn kiện trình Đại hội XIII xác định mục tiêu, định hướng phát triển các vùng kinh tế. Trong đó, đối với vùng trung du miền núi phía Bắc thì Trung ương xác định là ưu tiên phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với chế biến các sản phẩm nông lâm sản, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, Trung ương cũng xác định ưu tiên đầu tư các nguồn lực để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị:
Trong hai ngày qua, các đại biểu đã lắng nghe rất nhiều bài tham luận chất lượng, tâm huyết. Một trong các bài tham luận ấn tượng với chúng tôi là của đại biểu Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh: “Phát triển kinh tế tri thức – Kinh nghiệm quốc tế và thực tiến từ thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là bài tham luận rất sâu sắc, giúp các đại biểu địa phương có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu những kinh nghiệm thực tiễn từ thành phố Hồ Chí Minh cũng như đề xuất các cơ chế, các giải pháp của Trung ương đối với các địa phương trong thời gian tới.
Bài tham luận “Xây dựng kinh tế tuần hoàn trong thập niên 2021-2030” của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng có nhiều điểm mới, những điểm sáng mà thế giới đã làm để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta cần học tập để có những kinh nghiệm trong thời gian tới và vận dụng vào Việt Nam một cách sâu sắc.
Ông Trần Trung Nhân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai:
Sau hai ngày thảo luận các văn kiện Đại hội, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, đề cập trực tiếp vào trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương và đặc biệt là trong định hướng sắp tới. Đại biểu tham dự Đại hội được nghe nhiều khái niệm mới, nhiều ý tưởng mới, được người dân và cán bộ, đảng viên phấn khởi và đặt kỳ vọng trong thời gian tới.
Trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này, điều tôi tâm đắc là trong các nhóm giải pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có giải pháp Đảng khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện “sáu dám”.
Như trước đây chúng ta thường nghe “ba dám” thôi, là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì tại Báo cáo Chính trị lần này, Đảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách.
Dám nói ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng, không cần nói nhiều, quan trọng nói là phải làm. Đặc biệt là dám đương đầu, dám đột phá, đây là vấn đề mới, vấn đề khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết, như trong dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu là chưa đồng bộ, thậm chí có chồng chéo, có những lĩnh vực, vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh.
Hơn nữa, trong điều kiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta hiện nay rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình. Chính vì vậy, trong dự thảo Báo cáo chính trị lần này đặt ra “6 dám” là “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Và chính từ những chủ trương này, tôi nghĩ tới đây Đảng, Nhà nước sẽ có những quy định rất cụ thể, thiết thực để bảo vệ những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm vì nước, vì dân. Có như vậy, việc thực hiện đạt các mục tiêu như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra là hoàn toàn khả thi.
Nguồn: nhandan.com.vn/hsv