Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch

“Đến hẹn lại lên”, cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trên Internet, mạng xã hội lại xuất hiện nhiều bài viết, ý kiến xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, phủ nhận những thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Theo đó, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – bản chất và giá trị của nó, tiếp tục bị xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận bởi những xét đoán cực đoan, phản động của các phần tử thù địch. Họ tiếp tục lặp lại những luận điệu cũ rích rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử”! Bổ sung cho luận điệu xuyên tạc này, họ rêu rao Cách mạng tháng Tám đã “đi ngược xu thế lịch sử”, đó “không phải là cách mạng của nhân dân”, mà chỉ là sự “thay đổi” từ chế độ “vua trị” sang chế độ “đảng trị”, mở ra thời kỳ “chế độ cộng sản độc tài toàn trị, thiếu dân chủ”, v.v. Để đập tan những luận điệu xuyên tạc lố bịch trên, cần phải luận chứng rõ và cụ thể thêm bản chất, tính chất hợp quy luật, phù hợp và tiến bộ của cuộc cách mạng này.

Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng hợp quy luật, phù hợp với xu thế thời đại, xu thế phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, giai cấp công nhân trở thành giai cấp trung tâm của thời đại, cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới đã có sự phát triển mới, với diện mạo mới. Nhiều nước sau khi giành được độc lập, đã lựa chọn con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa, xuất hiện và phát triển các cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới. Cách mạng dân tộc dân chủ muốn thành công và đi đến triệt để, nhất thiết phải dựa trên lập trường của giai cấp công nhân, phải đi theo quỹ đạo và là bộ phận hữu cơ của cách mạng vô sản. “Một cuộc cách mạng của thời đại mới muốn thắng lợi phải thật sự là một cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân đông đảo, được chuẩn bị và lãnh đạo bởi một đảng tiên phong cách mạng”1. Đó là xu thế khách quan của thời đại!

Đối với Việt Nam lúc này, một con đường khác” để cứu nước, cứu dân, trong bối cảnh thời đại mới, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, không thể nào khác là con đường cách mạng vô sản”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”2. Cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam phải dựa vào lực lượng của toàn dân, nòng cốt là liên minh công nông, do đảng của giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo; đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ dân tộc (mâu thuẫn địa chủ – nông dân, mâu thuẫn tư sản – vô sản) không tách rời với đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc với các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược.

“Dân tộc giải phóng” là vấn đề trước hết, là nhiệm vụ “cần kíp”; nếu “không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của các bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được”3. Vấn đề “cần kíp” này chỉ có thể được giải quyết đúng đắn và triệt để khi nó được thực hiện trên lập trường của giai cấp công nhân; đồng thời, chính lập trường và lợi ích giai cấp công nhân đòi hỏi trước hết phải giải quyết vấn đề dân tộc, phải giải phóng dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng, đảm nhận trọng trách dân tộc và giai cấp là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong thời đại mới; kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử; của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của các chiến sĩ cách mạng, của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dân Việt Nam quyết đứng lên tự mình giải phóng cho mình, tự mình làm chủ và thay đổi cuộc đời của mình, xóa bỏ mọi xiềng xích phong kiến, thực dân, chứ không phải mong muốn lại rơi vào vòng nô lệ, cứ luẩn quẩn trong vòng bảo hộ của ngoại bang. Cách mạng là tất yếu. Việc làm đó là tất yếu phải làm và phải làm kiên quyết, kịp thời, nhanh chóng và triệt để. Nhiệm vụ giai cấp được biểu hiện ở nhiệm vụ dân tộc; nhiệm vụ dân tộc được giải quyết theo lập trường của giai cấp công nhân. Đó là mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là xu thế của lịch sử dân tộc trong sự phù hợp với xu thế vận động khách quan của thời đại.

Tháng Tám năm 1945, Cách mạng thành công, “đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng”4; nhưng đó mới chỉ là sự mở đầu. Công việc cơ bản, quan trọng của cách mạng là xây dựng chính quyền mới, củng cố và sử dụng chính quyền ấy vào tổ chức, cai quản và xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho quảng đại quần chúng nhân dân. Tính chất phù hợp, triệt để và tiến bộ của Cách mạng Tháng Tám thể hiện sâu đậm ở chỗ đó. Nó hoàn toàn không phải là sự “sang tên đổi chủ” từ chế độ “vua trị” sang chế độ “đảng trị” như sự rắp tâm xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nó xóa tan những ảo tưởng về một chính phủ dựa “vào lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản” để “mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu”5. Nó làm lộ rõ tính không đúng đắn, không phù hợp của những phương án chính trị trên các lập trường khác, tuy được thực hiện với tinh thần yêu nước, đầy khí phách anh hùng của nhân dân ta ở những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Thứ hai, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng do nhân dân, của nhân dân và vì nhân dân. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng do nhân dân Việt Nam trực tiếp tiến hành, vì nhu cầu giải phóng của chính quần chúng nhân dân lao động Việt Nam, do chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, quần chúng công nông và lao động Việt Nam đã nhất tề đứng lên làm cách mạng. Trải qua 15 năm đấu tranh gian khổ, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân và đánh đổ chế độ phong kiến tay sai thối nát, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, khai mở kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, kỷ nguyên nhân dân tự làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống và vận mệnh của mình.

Khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám là khí thế hào hùng của tinh thần cách mạng quật khởi của các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam quyết đứng lên phá bỏ mọi “gông xiềng” áp bức, bóc lột, giành chính quyền về tay mình. Lôgíc phát triển tất yếu của cuộc cách mạng như thế là quyền lực chính trị – xã hội thuộc về nhân dân lao động, tập trung ở nhà nước, và những người đại diện cho họ đứng ra điều hành chính quyền, cai quản xã hội cũng là công nhân, nhân dân lao động. Do vậy, ngay khi mới giành được chính quyền những người lao động được gọi là viên chức của Nhà nước công nông đã là “công bộc” của nhân dân, là “đầy tớ” trung thành của nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà một tháng sau cách mạng thành công, ngày 19/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Chính phủ là công bộc của dân”, nhấn mạnh: Chính phủ nhân dân phải “đặt quyền lợi dân lên hết thảy”; phải hết sức “làm” việc gì “có lợi cho dân”, phải hết sức “tránh” việc gì “có hại cho dân”.

Thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng này là ở chỗ, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân lao động Việt Nam từ thân phận bị nô lệ, bị áp bức bóc lột đã “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”giành chính quyền, vươn lên làm chủ, đứng ra tổ chức và cai quản xã hội mới. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập lên chế độ Dân chủ Cộng hòa”6. Đó là cuộc cách mạng không phải thay đổi chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác, mà là cuộc cách mạng thủ tiêu chế độ bóc lột, áp bức, bất công, đưa nhân dân lao động lên làm chủ, thay đổi căn bản địa vị của họ trong xã hội. Mệnh đề “dân là chủ” đối với nhân dân Việt Nam mới thực sự có ý nghĩa từ đây. Dân là chủ, và người chủ ấy thực hiện quyền làm chủ của mình ngay từ khi có chính quyền và ngày càng được phát huy trong thực tiễn. Thành quả của cách mạng tiếp tục được củng cố và phát huy trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946, nhân dân ta đã thực sự “vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”7. Trong gần tám thập kỷ qua, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, là cả quãng thời gian lịch sử không ngừng nâng cao và hoàn thiện mệnh đề “dân là chủ” trong xã hội ta, không ngừng mở rộng quyền làm chủ của nhân dân.

Tính chất tiến bộ, sâu sắc của các mệnh đề “của nhân dân”, “do nhân dân” và “vì nhân dân” mà Cách mạng Tháng Tám mang tải, thể hiện tập trung ở chỗ đó. Một cuộc cách mạng nhân dân như thế, một sự nghiệp giải phóng sâu sắc và triệt để như thế sao lại là “sai lầm của lịch sử”, là “việc không nên làm” như có những người cố rắp tâm xuyên tạc.

Thứ ba, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam hôm nay là sự nối tiếp và hiện thực hóa thành tựu, giá trị và tư tưởng Cách mạng Tháng Tám trong thực tiễn xã hội Việt Nam. Sau Cách mạng thành công, vấn đề diệt “giặc đói”, “giặc dốt” được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cùng với vấn đề diệt “giặc ngoại xâm” với tư cách là những vấn đề cấp bách của cách mạng, của đất nước, mà chính quyền mới, chính quyền của một nước vừa bước ra khỏi chế độ thuộc địa nửa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới, cần phải giải quyết. Bản chất, tính chất của Cách mạng Tháng Tám đòi hỏi và cũng là động lực to lớn quyết định và thúc đẩy giải quyết về cơ bản “giặc đói”, “giặc dốt” khoảng một năm sau Cách mạng và chuẩn bị lực lượng cùng những điều kiện cần thiết cho kháng chiến chống xâm lược, giải quyết vấn đề diệt “giặc ngoại xâm”.

Sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta gần bốn mươi năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, “thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”8. Đó là giai đoạn lịch sử có ý nghĩa trọng đại trong sự phát triển của dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để trên các lĩnh vực và là sự nối tiếp, nâng lên tầm cao mới những giá trị và thành quả của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trong điều kiện lịch sử mới. Tuy còn không ít khó khăn, nhưng kinh tế nước ta có sự tăng trưởng khá với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao; đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; quan hệ đối ngoại được mở rộng. Đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Bản chất, tính chất của Cách mạng Tháng Tám, mục đích xã hội mà Đảng và Nhân dân ta phấn đấu là không ngừng nâng cao, hoàn thiện quyền làm chủ của nhân dân, làm cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Điều đó vừa đặt ra yêu cầu, vừa quy định phương hướng, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Đảng và nhân dân ta: đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tính chất tiến bộ, cách mạng của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại ngày càng được khẳng định, củng cố, nâng cao và không ngừng hoàn thiện trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc gần tám thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Luận điệu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” là luận điệu xuyên tạc lố bịch, phi lịch sử, phản nhân dân, phản dân tộc, đã và nhất định bị phá sản!

PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG/TCQPTD
__________________
_

1 – Trường Chinh – Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Tập I, Nxb ST, H. 1975, tr. 375.

2 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 30.

3 – ĐCSVN – Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 113, 373.

4 – Trường Chinh – Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Tập I, Nxb ST, H. 1975, tr. 375.

5 – Dẫn theo Phạm Hồng Tung, Nội các Trần Trọng Kim, bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, Nxb CTQG, H. 2009, tr. 191, 193.

6 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 21.

7 – Sđd, tr. 145.

8 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 107.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *