Cách mạng Tháng Tám qua cảm nhận của một người Mỹ gốc Việt
Ý nghĩa vĩ đại nhất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sau gần một thế kỷ bị nước ngoài đô hộ, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh và Ðảng Cộng sản, dân tộc Việt Nam đã giành lại nền độc lập, người Việt Nam được làm chủ vận mệnh của mình, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (1945 – 2020), từ nước Mỹ, Luật sư Hoàng Duy Hùng đã gửi tới Báo Nhân Dân bài viết chia sẻ những cảm nhận của ông về sự kiện quan trọng này. Dẫu còn một số nhìn nhận, đánh giá thể hiện quan điểm cá nhân, nhưng trên tinh thần tôn trọng tác giả, xin giới thiệu với bạn đọc toàn bộ bài viết này.
Hồi còn nhỏ, cha mẹ tôi kể gốc gác của cha tôi ở Ðồng Vông, quê mẹ tôi ở Cửa Lò (đều thuộc tỉnh Nghệ An). Sau Hiệp định Geneve năm 1954, gia đình tôi di cư vào nam, tôi sinh ra ở Phan Rang. Năm 1964, cha tôi tham gia “quân lực Việt Nam cộng hòa”, bởi vậy gia đình tôi theo Trung đoàn 45 (Sư đoàn 23) lên Buôn Ma Thuột, ở đó tới năm 1975. Vì là con của “sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hòa” lớn lên ở miền nam trước năm 1975, từ nhỏ tôi chưa bao giờ được nghe về Cách mạng Tháng Tám, hay những điều tích cực về phía “bên kia chiến tuyến”. Chuyện cha mẹ tôi kể nhiều nhất là “cái đói” và “cái rét” ở miền bắc, nhất là nạn đói năm Ất Dậu – 1945. Ông bà kể với tôi, năm 1945 trong nhà không có gì ăn, củ khoai cũng khan hiếm, người chỉ còn da bọc xương nằm la liệt khắp nơi. Ông bà bảo sống sót qua thời đó là may mắn “trời cho”, đã sống qua thời đó thì phải biết quý từng hạt gạo, hạt cơm, không được phung phí. Vì thế cha mẹ tôi lúc nào cũng rất cần cù, siêng năng, chắt chiu từng ly từng tí, dù sau này qua Mỹ đồ ăn thoải mái, ông bà cũng không bao giờ vứt đồ ăn thừa. Ðiều này đã in vào huyết quản của ông bà. Trong khi đó, tôi và con của tôi, sợ để đồ ăn lâu không tốt, dư thừa là đổ đi. Mỗi lần thấy vậy, cha mẹ tôi không hài lòng, lại nói: “Trời phải để các con trải qua cái đói năm Ất Dậu thì mới biết thức ăn quý tới mức nào”.
Cha mẹ kể về cái đói, cái rét của năm Ất Dậu nhưng không kể cho tôi biết sau đó đất nước làm thế nào để giành được độc lập, để người dân không còn bị đói, bị rét nữa. Và tôi đã phải tự tìm hiểu. Lần đầu tiên tôi biết cụm từ “Cách mạng Tháng Tám” là năm 1990, khi về Việt Nam, tôi để ý thấy ở TP Hồ Chí Minh có đường Cách mạng Tháng Tám, đường Nam Kỳ khởi nghĩa, cho nên muốn biết vì sao có các tên gọi này. Dần dà tôi hiểu nạn đói năm Ất Dậu mà cha mẹ tôi trải qua là một trong các động lực để toàn dân phải quyết tâm giành độc lập từ bàn tay chế độ bù nhìn “Ðế quốc Việt Nam” do Nhật điều khiển qua hai người là Bảo Ðại, Trần Trọng Kim. Nạn đói bắt đầu từ tháng 10-1944 đến tháng 6-1945. Trong lịch sử dân tộc mấy nghìn năm, chưa bao giờ có cảnh trong 8 tháng nhà cầm quyền lại để 2 triệu người dân chết đói, sao có thể dung thứ cho quân phiệt Nhật, thực dân Pháp và tay sai trước tội ác lớn đến như vậy? Cách mạng Tháng Tám thành công trong hoàn cảnh bi thương đó, để rồi từng bước đưa dân tộc, đưa đất nước Việt Nam đến vị trí nhiều thành công trên chính trường quốc tế như hiện nay.
Qua tìm hiểu tôi được biết, nhằm kìm chân người Pháp, năm 1940 Nhật vào Ðông Dương, trong đó có Việt Nam. Và khi ấy dân Việt Nam bị “một cổ hai tròng”, vừa bị thực dân Pháp đô hộ, vừa bị quân phiệt Nhật đè nén. Ðầu năm 1945, người Nhật đã quyết định không dùng Cường Ðể, Ngô Ðình Diệm, mà sử dụng Bảo Ðại, Trần Trọng Kim. Tháng 3-1945, họ đảo chính Pháp lập nên “Ðế quốc Việt Nam”, dựng Bảo Ðại làm hoàng đế, Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Chính phủ Trần Trọng Kim hoàn toàn không phải là một chính phủ độc lập, và không thể tự tồn tại, không có các bộ ngoại giao, quốc phòng, tài chính, hầu như mọi việc đều phải bẩm báo quan toàn quyền Nhật Minoda (Mi-nô-đa) để nhận chỉ thị. Tình trạng này phản ánh rất rõ qua phát biểu của Toàn quyền Nhật Bản Minoda vào ngày 30-3-1945 tại một cuộc họp tại Long Xuyên rằng: “Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Ðông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung kỳ và cũng như của Cam-pu-chia đã được tuyên bố. Nam kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không có sự độc lập của Nam kỳ”!
Ðể có nguyên vật liệu phục vụ chiến tranh cũng như nhiều mục tiêu khác, quân phiệt Nhật không chỉ vơ vét của cải của Việt Nam mà năm 1944 họ buộc nhân dân miền bắc và phía bắc miền trung không trồng lúa, thay vào đó là trồng cây đay (hessian) lấy nguyên liệu làm vải sợi. Ðể rồi năm 1945, nhân dân miền bắc và bắc miền trung không có gạo ăn. Tàn bạo hơn, quân phiệt Nhật còn nhất định không cho vận chuyển gạo từ nam ra bắc, trong khi đó ở miền nam thì gạo dư thừa. Chúng sử dụng gạo dư thừa làm nguyên liệu đốt cho tàu hỏa chạy. Ðó là nguyên nhân để xảy ra nạn đói Ất Dậu, khiến khoảng 2 triệu người Việt chết vì đói. Nhưng ngoài dự liệu của quân phiệt Nhật, cũng là điều bất ngờ với chính phủ Trần Trọng Kim, trước sức tấn công dữ dội của phe Ðồng minh, ngày 15-8-1945 Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ở Việt Nam, trong khi các đảng phái quốc gia loay hoay chưa biết ứng xử thế nào thì Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, do chuẩn bị lực lượng từ trước và xác định thời cơ đã đến, nên lập tức phát động toàn dân đấu tranh giành lại độc lập. Ðây là viễn kiến chính trị, không những chứng tỏ lòng yêu nước, mà còn cho thấy tầm nhìn xa, chính xác của Bác Hồ và những người lãnh đạo Việt Minh.
Sáng 19-8-1945, Việt Minh lãnh đạo và dẫn đầu dân chúng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, tiến về Nhà hát Lớn ở Hà Nội hô to đòi độc lập. Trên lễ đài, thanh niên tự vệ bồng súng, cầm gươm đứng gác nghiêm chỉnh. Khoảng 10 giờ 30 phút sáng, sau nghi thức mặc niệm cho các chiến sĩ đấu tranh hy sinh cho nền độc lập, đúng lúc có ba phát súng bắn lên trời để chào cờ thì từ trên nóc Nhà hát Lớn một lá cờ đỏ sao vàng khổng lồ phủ xuống giữa tiếng reo hò như sấm dậy của người dân. Trước đó, các cán bộ Việt Minh đã phát cho nhân dân các lá cờ đỏ sao vàng nhỏ cầm tay để họ phất lên như biểu thị cho sự trỗi dậy của một dân tộc, người dân ứa lệ vui mừng sung sướng vì nhìn thấy được tương lai rạng sáng của nước Việt. Gần trưa, biển người với khí thế cách mạng sôi sục đã chia thành hai hướng, một hướng tiến về Phủ Khâm sai, Tòa thị chính, Kho bạc… Ðoàn người tiến đến đâu là binh lính Nhật cùng tay sai bỏ chạy hỗn loạn. Cách mạng đã thành công. Chiều hôm đó, Ðại sứ Nhật ở Hà Nội đánh điện về Tokyo như sau: “Chiều ngày 19, Ðại sứ đã “được mời” đến dự cuộc gặp với các lãnh đạo Etsumei (Việt Minh) và đã tham gia bàn bạc với những người đó, được coi như là các nhà chức trách chính thức”. Công điện lịch sử này là chứng tích hùng hồn về thắng lợi của cuộc cách mạng giành độc lập cho nước nhà, với công lao của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Việt Minh dưới ngọn cờ đỏ sao vàng. Trước khí thế của phong trào quần chúng dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, ngày 25-8-1945, trước Ngọ Môn (Huế), hoàng đế Bảo Ðại đã đọc lời thoái vị. Trước hàng ngàn người dân chứng kiến, hoàng đế Bảo Ðại trao quyền lại cho đại diện của Việt Minh để trở thành công dân Vĩnh Thụy với lời phát biểu: “muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị”.
Cách mạng Tháng Tám thành công thì mới có “hoa trái” là Quốc khánh 2-9-1945, ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập để khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính thức đánh dấu chấm dứt thời kỳ thực dân, phong kiến, mở ra chân trời mới cho toàn dân Việt Nam là Ðộc lập – Tự do – Hạnh phúc. Lúc đó, tham gia Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ, có các đảng phái như “Việt Nam Quốc dân đảng” (thường gọi là Quốc dân đảng) của ông Vũ Hồng Khanh, “Ðại Việt Quốc dân đảng” (thường gọi là Ðại Việt) của ông Trương Tử Anh, “Việt Nam cách mệnh đồng minh hội” (thường gọi là Việt cách) của ông Nguyễn Hải Thần… Một thời lãnh đạo những đảng phái này đã nghiêm trang chào quốc kỳ nền đỏ sao vàng, và tiền bối thì như vậy nhưng nay hậu duệ của họ ở hải ngoại lại chống đối! Ðương nhiên quá trình xây dựng nào cũng gặp sự gập ghềnh, sai sót, nhưng vấn đề là người thực tâm thấy sai thì sửa, điều chỉnh để ngày một tốt hơn, hoàn thiện hơn. Dù thế nào thì chính nhờ có vai trò lãnh đạo của Việt Minh mà dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập, tự do, mở ra trang sử mới đầy hy vọng cho tương lai. Từ trải nghiệm bản thân tôi nghĩ, khi tiến hành bất cứ hành động nào mà thấy còn chưa hoàn hảo, thì biết nhận thức đúng đắn có thể điều chỉnh để hoàn hảo hơn, phù hợp hơn. Xét từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, vì lợi ích của đất nước, Việt Minh, Ðảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần tự nhận thức, tự điều chỉnh, từng bước đưa đất nước trở thành một quốc gia có vị thế đáng tự hào, được thế giới công nhận.
Lời kết:
Hôm nay, hoa trái sau 75 năm Cách mạng Tháng Tám được thể hiện rất rõ qua việc Việt Nam phòng, chống đại dịch Covid-19. Trong lúc thế giới lao đao, khốn khó thì giữa mùa dịch, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển, điều mà nhiều quốc gia không dễ có được. Dù thời điểm này, đại dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, Ðảng Cộng sản, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân Việt Nam vẫn tỉnh táo, bình tĩnh, tập trung xử lý hiệu quả để bảo vệ tính mạng của mọi người, trong đó có công dân Việt Nam đang học tập, làm việc, lao động,… ở nước ngoài. Dù lo lắng cho tính mạng đồng bào trong nước, dù lo lắng hệ lụy của đại dịch có thể khiến cuộc sống khó khăn hơn, kinh tế có thể sẽ phát triển chậm hơn so với các năm trước, nhưng tiếp xúc với tin tức, đọc và nghe các phát biểu chỉ đạo, xem hình ảnh các lực lượng, ngành chuyên môn nỗ lực cứu chữa và lo toan cho nhân dân, đồng bào mọi miền tìm mọi cách để tương trợ, ủng hộ, động viên lẫn nhau, nhìn ảnh bà con tiểu thương các chợ ở Ðà Nẵng mặc áo cờ đỏ sao vàng có dòng chữ “Ðà Nẵng ơi cố lên!”,… tôi thấy ấm lòng, và tôi tin tưởng đất nước sẽ vượt qua khó khăn. Có niềm tin như vậy vì tôi cảm nhận được ý nghĩa to lớn từ Cách mạng Tháng Tám, từ những bậc tiền nhân đã dấn thân đấu tranh và hy sinh vì độc lập, thống nhất nước nhà, và từ những người Việt Nam đang nỗ lực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhân Dân