Cái kết cho “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”: ảo tưởng của Phạm Chí Dũng và đồng bọn!
Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng (53 tuổi; quê quán: tỉnh Đồng Tháp; thường trú tại phường 1, Q.Tân Bình, TP.HCM) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngày 8/6/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố, bắt giam Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên tổ chức này. Ngày 24/5/2020, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM tiếp tục khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Nguyễn Tường Thụy (70 tuổi, quê Nam Định, ngụ Hà Nội) để điều tra tội danh tương tự. Báo chí đã phản ánh, việc bắt, khởi tố 3 bị can nói trên điều tra về các bài viết, phát ngôn tuyên truyền chống Nhà nước, thực chất liên quan đến hoạt động chống chính quyền của cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” do Phạm Chí Dũng là “Chủ tịch Hội”, Nguyễn Tường Thụy là “Phó Chủ tịch Hội”, Lê Hữu Minh Tuấn là thành viên. Ngày 21/10/2020, nhóm bị can trên nhận được thông báo Kết thúc điều tra, đồng nghĩa vụ án được chuyển sang Viện Kiểm sát và Tòa án đưa ra xét xử trong những ngày tới. Trước phiên tòa, mời các bạn cùng chúng tôi nhìn lại con đường và hành trình dẫn đến cái kết của nhóm bị can này.
KHỞI ĐẦU TỪ “SÁNG KIẾN” HÌNH THÀNH “XÃ HỘI DÂN SỰ ĐỘC LẬP”
Xuất phát từ “chủ trương” chung của chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, cần phải thúc đẩy và phát triển cái gọi là “xã hội dân sự độc lập” để tập hợp, quy tụ, xây dựng lực lượng chính trị đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam, tiền đề cho cách mạng màu như đã diễn ra thành công ở các nước Đông Âu, Bắc Phi, Trung Đông, số cơ hội, phản động trong và ngoài nước đua nhau hình thành, ra đời hay chuyển đổi mô hình tổ chức của mình thành “tổ chức xã hội dân sự độc lập”. Ở ngoài nước, “Việt tân” lập ra tổ chức “VOICE” và nhiều tổ chức ngoại vi khác chuyên đầu tư, khai thác, đào tạo lực lượng nhằm phát triển “xã hội dân sự” cho Việt Nam. Các tổ chức phản động lưu vong buộc phải chuyển đổi mô hình hay thay hình đội lốt thành “tổ chức xã hội dân sự” mới có cơ hội nhận được tài trợ từ các NGO về dân chủ, nhân quyền hay từ chính phủ các nước Mỹ và phương Tây.
Ở trong nước, Nguyễn Quang A, Nguyên Ngọc, Chu Hảo và nhóm cơ hội chính trị tự nhận mình là “nhân sỹ trí thức” đi đầu, khởi xướng hình thành “Diễn đàn Xã hội dân sự” với tham vọng quy tụ các thành viên là các tổ chức “xã hội dân sự độc lập” cạnh tranh lực lượng với các hội đoàn chính trị – xã hội – nghề nghiệp hợp pháp, được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tham vọng của Nguyễn Quang A và đồng bọn là lập ra thật nhiều các tổ chức như “Văn đoàn độc lập”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội phụ nữ độc lập”, “Hội sỹ quan độc lập”,… Sau khi tuyên bố ra đời “Diễn đàn xã hội dân sự”, số “nhân sỹ trí thức” này bắt tay vào thúc đẩy hình thành các nhóm, hội xã hội dân sự kiểu này. “Ban vận động Văn đoàn độc lập” nhanh chóng ra đời. Dự định thành lập một “hội nhà báo độc lập”, số “nhân sỹ trí thức” này tìm chọn các nhà báo có tên tuổi trong “Diễn đàn xã hội dân sự” làm ngọn cờ, thủ lĩnh quy tụ, phát triển lực lượng báo chí. Họ thúc giục các cây đa, cây đề làng báo đã “trở cờ” như Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập 3 tờ báo Người Lao động, Lao Động, Lao động chẳng hạn. Nhưng chẳng có ai dám đứng ra, đều viện lý do tuổi cao, sức yếu. Rốt cuộc họ phải chọn Phạm Chí Dũng, vốn chẳng phải là nhà báo, nhưng chí ít có trình độ và ảnh hưởng trong cái gọi là “phong trào xã hội dân sự trong nước” đứng ra sáng lập “Hội nhà báo độc lập”.
Được gửi gắm, chấm chọn vì dù sao có mác tiến sỹ, Phạm Chí Dũng xung phong và bắt tay ngay vào việc vận động “quốc tế” ủng hộ, bản chất là tìm nguồn tài chính và hậu thuẫn chính trị, truyền thông từ phương Tây để sớm ra mắt “Hội nhà báo độc lập”. Ý tưởng manh nha đó của Phạm Chí Dũng bị dập ngay từ trứng nước chỉ vì ông ta đã bị công an đưa vào danh sách “Chưa được phép xuất cảnh” vì đang bị điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật trước đó. Nên chuyến đi tham dự sự kiện kiểm điểm nhân quyền UPR đối với Việt Nam do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 05.02. 2014 ở Geneva, Thụy Sĩ thất bại. Không thể trực tiếp đi “ngoại vận”, Phạm Chí Dũng buộc phải chuyển giao “nhiệm vụ” này cho các thành viên cốt cán khác.
“Việt tân” sớm biết “ý đồ” này nên đã thông qua Ngô Nhật Đăng, linh mục Dòng Chúa cứu thế Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Tường Thụy nhảy vào thao túng tổ chức này. “Việt tân” đã thiết kế một đoàn hùng hậu các đối tượng chống đối trong nước tham gia chương trình được gọi là “Điều trần về tự do báo chí Việt Nam” và hợp tác với RFA tổ chức khóa huấn luyện cấp tốc về kỹ năng làm báo cho các “blogger tự do” này. Dù chuyến đi được lên kế hoạch và chuẩn bị rất bí mật, bài bản, nhưng không thành công, Phạm Chí Dũng và hàng loạt “blogger tự do” bị chặn tại cửa khẩu. Một số khác như Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Đình Hà, Lê Thanh Tùng, Tô Oanh bằng nhiều con đường, cách thức khác nhau đã tụ hội đúng thời điểm tại Hoa Kỳ. Số này được “Việt tân” đưa đi gặp các tổ chức NGO, dân biểu, đài báo truyền thông nước ngoài để trình bày “dự án về hội nhà báo độc lập”. Tuy nhiên, bản chất cái gọi là “phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về tự do báo chí” chỉ là cái bánh vẽ của “Việt tân” để lôi kéo, lòe bịp đồng bọn trong nước. Thực chất, đó chỉ là một cuộc hội thảo về chủ đề “Hướng đến một nền báo chí độc lập cho Việt Nam” được Việt tân thuê một phòng họp tại trụ sở Hạ viện Mỹ, mời mấy dân biểu thân thuộc của mình để ngồi nghe và cổ vũ mấy “blogger tự do” kia rồi mướn báo Việt ngữ quảng cáo cho nó thật nổ nhằm lòe đồng bọn trong nước.
Sau khi đoàn “blogger tự do” nói trên về nước, Phạm Chí Dũng chọn ngày 4/7/2014 – Ngày Quốc khánh Hoa Kỳ tuyên bố ra đời tổ chức “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” gây tiếng vang, sự chú ý từ chính khách Hoa Kỳ, truyền thông, dư luận hải ngoại, trong nước. Một kế hoạch bài bản cả về tài chính, truyền thông, lực lượng phát ngôn… được số cầm đầu tính toán kỹ lưỡng cho sự kiện ra đời tổ chức. Bởi vậy, đúng ngày 4/7/2014, hàng loạt các cuộc phỏng vấn từ RFI, BBC, RFA…tung lên mạng Internet tuyên bố, chào mừng, quảng bá cho sự ra đời của “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”
THAM VỌNG ĐIÊN CUỒNG CỦA PHẠM CHÍ DŨNG VÀ ĐỒNG BỌN VÀ HIỆN THỰC KHÔNG NHƯ MONG ĐỢI
Với sự hứa hẹn, cam kết mạnh mẽ từ các nhà tài trợ nước ngoài, Phạm Chí Dũng đã phác họa, quảng báo rầm rộ cho tương lai của “Hội Nhà báo độc lập”. Trả lời phỏng vấn RFI ngay sau tuyên bố thành lập hội, Phạm Chí Dũng nổ “trang báo này(trang web “Việt Nam Thời báo” của Hội nhà báo độc lập) trong 10 năm tới phải cố gắng vươn tới một đẳng cấp quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn như có thể so sánh với tờ Bangkok Post của Thái Lan, hay hơn nữa là tờ Straits Times của Singapore. Còn triển vọng nhất thì phải so sánh được với tờ Le Monde của Pháp”, “IJAVN sẽ hướng đến mục tiêu trở thành một nghiệp đoàn báo chí độc lập và mang tính chuyên nghiệp. Phần lớn những tay viết trẻ từ giới blogger và cả facebooker hiện nay sẽ cần được đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước để có thể trở thành những nhà báo chuyên nghiệp trong tương lai không xa” (IJAVN là chữ viết tắt tiếng Anh của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam), “những hội viên của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam trong tương lai không xa có thể và hoàn toàn có quyền tự hào rằng họ là những nhà báo độc lập đầu tiên của Việt Nam và có tiếng nói quốc tế, được quốc tế nể trọng”…
Với nguồn tài chính dồi dào, với sự hậu thuẫn về truyền thông hùng hậu, những tưởng Phạm Chí Dũng cùng băng đảng sẽ làm được chút tiếng tăm như kỳ vọng. Nhưng thực tế, nhân cách, đạo đức và thực lực của chính dàn “nhân sự” là thành viên tổ chức này bá láp, nhộn nhạo, chụp giật, cơ hội như chính bản chất và sự ra đời gian xảo của nó.
Phạm Chí Dũng mang danh là Chủ tịch hội, đương nhiên là nắm trang website chính thức, vẽ ra hàng chục “bút danh” sản xuất các bài na ná nhau về “thuyết âm mưu đấu đá nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam” hay nhận định chém gió về chủ đề nhân quyền để câu view và ăn chặn phần nhuận bút “cao hơn báo chính thống” kia. Dễ dãi với bài viết của mình nhưng Phạm Chí Dũng lại khó khăn trong duyệt bài của đồng bọn với lý do chất lượng quá thấp. Nhóm Phạm Nhật Đăng, Lê Ngọc Thanh chỉ là phó chủ tịch hội và thành viên nòng cốt nên được chia quản trị fanpage rất bất bình với Phạm Chí Dũng, đạo đức, chất lượng bài vở có hơn “trình độ” của chúng nhưng về bản chất và chất lượng bài viết khác gì nhau về sự thủ đoạn bịa đặt, dựng chuyện, xào xáo bài vở đâu. Ngô Nhật Đăng cầm đầu “nhóm phản đối sự độc tài của Phạm Chí Dũng” công khai phản pháo, bóc mẽ Phạm Chí Dũng từng bước với ý đồ đe dọa ông này nhượng bộ, chia phần ngân quỹ bài vở cho họ. Không thành công khi Phạm Chí Dũng với sự ủng hộ của 2 “Phó chủ tịch hội” là Nguyễn Tường Thụy, Bùi Minh Quốc và một số thành viên cốt cán khác áp đảo phe Ngô Nhật Đăng, Lê Ngọc Thanh đã lấy “biểu quyết dân chủ” loại Ngô Nhật Đăng, Lê Ngọc Thanh khỏi “Ban điều hành”. Trước sức ép từ các nhà tài trợ và đồng bọn, Lê Ngọc Thanh buộc phải bàn giao tiền quỹ còn sót lại sau nhiều tháng đấu đá sôi động là “180.000.000vnđ 500usd 500euro 300aud” (khoảng hơn 200 triệu VNĐ) cho phe Phạm Chí Dũng.
Cay cú vì bị hất cẳng, cho dù Lê Ngọc Thanh nắm quỹ, Ngô Nhật Đăng có công sáng lập, tổ chức đoàn đi điều trần ngoại vận nên cuộc chiến truyền thông bóc mẽ, chửi bới nhau sau đó dai dẳng trên facebook của họ khiến cho cộng đồng mạng được mở mắt về các chiêu trò, thủ đoạn tạo dựng bài viết, thủ đoạn lừa bịp khi viết bài, chiêu trò chia sẻ ngân quỹ tài trợ trọng nội bộ tổ chức này. Từ đây, về mặt truyền thông, “Hội Nhà báo độc lập” thành vết nhơ của “phong trào dân chủ Việt Nam” hay “Diễn đàn xã hội dân sự”. Về chiến lược, xem như cái chết được báo trước của một hội nhóm chống đối nhố nhăng.
KẾT CỤC VÀ DỰ BÁO SỐ PHẬN CỦA PHẠM CHÍ DŨNG VÀ ĐỒNG BỌN
Dù biết rõ âm mưu, ý đồ, kế hoạch, tham vọng, dã tâm của Phạm Chí Dũng và đồng bọn nhưng các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn kiên trì giáo dục, thuyết phục, vận động số này từ bỏ hành vi phạm tội.
Cơ quan công an đã nhiều lần mời làm việc đối với Phạm Chí Dũng, cảnh báo ông ta về hành vi thành lập hội nhóm trái pháp luật và các bài viết xuyên tạc, bịa đặt, tuyên truyền chống Nhà nước, cũng như cảnh cáo số cốt cán như Bùi Minh Quốc, Nguyễn Tường Thụy, nhưng số này ngày càng tỏ thái độ thách thức, công khai trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài, viết bài trên mạng xã hội xuyên tạc các cuộc làm việc này là “đàn áp người bất đồng chính kiến”, tự tin rằng, công an không dám bắt, xử lý chúng vì lo ngại sự can thiệp từ chính giới Mỹ, phương Tây, từ truyền thông nước ngoài và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập hội, nhóm này công khai trương băng rôn, biểu ngữ và tụ họp linh đình, mời nhiều nhân viên Đại sứ quán Phương Tây và đồng bọn chống đối trong nước tham dự để quảng bá “thành tích hoạt động”
Trong suốt 5 năm hoạt động, số lượng bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, phỉ báng chính quyền của Phạm Chí Dũng và đồng bọn lên tới con số hàng ngàn bài, đủ yếu tố cấu thành tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là chưa kể đến việc hình thành hội nhóm trái phép có hoạt động chống Nhà nước càng có thêm sức nặng chứng minh động cơ “tuyên truyền chống Nhà nước” của “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”. Theo thông báo của cơ quan công an sau khi bắt, khởi tố Phạm Chí Dũng, đã nêu rõ:
“ngày 4.7.2014, bị can Phạm Chí Dũng (Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – IJAVN) ra “Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” với số lượng ban đầu hàng chục thành viên, nội dung Điều lệ hoạt động của Hội thể hiện rõ quan điểm là tổ chức xã hội dân sự…, là trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam còn vi phạm pháp luật Việt Nam về lập, quản lý tên miền “Việt Nam Thời báo” không đăng ký, xin phép cơ quan chức năng theo quy định tại Nghị định 72/NĐ-CP của Chính phủ.
Mặc dù không được pháp luật công nhận, nhưng Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vẫn đề ra điều lệ, nguyên tắc sinh hoạt, tiêu chuẩn hội viên, ban điều hành, cơ cấu tổ chức, các chi hội, ban chuyên môn… Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra tuyên bố vào Hội là không phân biệt quan điểm chính trị, giữ quan điểm làm báo ôn hòa, sự thật và khách quan về chính trị và xã hội, nhưng hầu hết các bài viết đều mang màu sắc cá nhân, tư tưởng thù địch; đều có chung quan điểm là chống Đảng, Nhà nước.
Từ khi thành lập, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam còn ra nhiều thông báo, tuyên bố; tham gia ký, vận động kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia ký tên các tuyên bố công khai chống đối lại các hoạt động của chính quyền”
Vậy nên, dễ hiểu quá trình điều tra vụ án Phạm Chí Dũng tuyên truyền chống Nhà nước, cơ quan công an đã liên tục triệu tập thành viên của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” để làm rõ vai trò, hành vi phạm tội liên quan đến hội nhóm này. Như vậy, quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Lê Hữu Minh Tuấn và Nguyễn Tường Thụy nối gót cùng Phạm Chí Dũng vào trại tạm giam Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra về hành vi phạm tội. Đây là kết cục được báo trước đối với những kẻ tham vọng, ảo tưởng vào sự hậu thuẫn của nước ngoài để tập hợp lực lượng, mưu đồ lật đổ chính thể hiện nay
Khánh Chi/HSV