CÁN BỘ TỐT LÀ CÁN BỘ BIẾT LẮNG NGHE LÒNG DÂN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Muốn biết cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu thì cách tốt nhất là hỏi dân”. Và trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, xác định mỗi cán bộ để trở thành cán bộ tốt phải thực sự là người đầy tớ trung thành của Nhân dân, phải giữ mối liên hệ mật thiết, thường xuyên với dân, biết lắng nghe dân. Từ đó, những cán bộ mới được dân tin, dân yêu, giúp đỡ để xây dựng đất nước phồn vinh và lo cho nhân dân có cuộc sống ấm no, tốt đẹp.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn không ít cán bộ xấu, mắc “bệnh xa dân”, vô cảm, quan liêu với dân. “Bệnh xa dân” thể hiện ở muôn hình vạn trạng, nào là “ngại”, “lười” gặp, tiếp dân; nào là xưng hô với dân không có chủ ngữ, kính ngữ dù cho người dân lớn tuổi hơn; nào là hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính không tận tình, qua loa, to tiếng; nào là vô cảm, thờ ơ trước những bức xúc, nỗi khổ của người dân… Những cán bộ này là những cán bộ đã bị tha hóa, biến chất, không xứng đáng với niềm tin của Đảng, của dân.

Có thể thấy một bộ phận người dân đang có sự phẫn nộ, bức xúc, thiếu niềm tin vào chế độ chỉ vì một bộ phận cán bộ suy thoái, xa dân. Điều này thể hiện ở những câu chuyện, bình luận trên bàn cà phê, bàn nhậu và cả trên không gian mạng. Quả thật, cán bộ mà quan liêu, xa dân thì chỉ có hại nước, hại dân. Chính thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “Ta làm cho hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

Vậy làm sao để được lòng dân, để dân tin, dân yêu, dân biểu dương? Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn vai trò vô cùng quan trọng của việc lắng nghe dân, phải thật sự coi mình là công bộc của dân chứ không phải những ông quan cách mạng như Bác Hồ đã từng cảnh báo. Cán bộ phải bám cơ sở, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, phải trực tiếp nghe dân trình bày các vấn đề còn chưa rõ, bức xúc, từ đó thấu hiểu khó khăn, nguyện vọng chính đáng của dân, tìm cách hóa giải nỗi lo của dân.

Ngoài ra, thực tế vẫn có nhiều người dân vì tâm lý sợ “mất lòng” cán bộ nên cũng chưa nói hết tâm tư, nguyện vọng thực tế của mình, nhưng đâu đó trên diễn đàn mạng xã hội họ lại vô tư có những bình luận nói ra những khúc mắc, đề xuất những giải pháp, sáng kiến hay để mong muốn các cán bộ có thể nhìn thấy. Do đó, các cán bộ cũng cần quan tâm trước dư luận của người dân ở môi trường mạng xã hội, những bình luận, chia sẻ của người dân cũng là thay lời muốn nói lên tiếng lòng của họ. Từ đó, cán bộ sẽ tiếp nhận những thông tin phong phú, có giá trị để xem xét, điều chỉnh những chủ trương, chính sách sao cho phù hợp thực tiễn, thuận lòng dân.

Từng cán bộ biết lắng nghe lòng dân là cả hệ thống chính quyền sẽ ngày càng thân dân, được dân ủng hộ và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển về mọi mặt, đời sống của người dân và bản thân cán bộ sẽ ngày càng được nâng cao.

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *