Cần cảnh giác với những tổ chức lợi dụng yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật

Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định và được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, ban hành nhiều chính sách để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rất rõ rằng “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tổ chức bất hợp pháp lợi dụng danh nghĩa tôn giáo hoặc lợi dụng những yếu tố tín ngưỡng, tâm linh để hoạt động, trong đó có thể kể đến Pháp Luân Công, “Thanh Hải vô thượng sư”. Hãy cùng điểm lại những điểm tương đồng của hai tổ chức “ngụy tôn giáo” này.

Thứ nhất, cả Pháp Luân Công và “Thanh Hải Vô Thượng Sư” đều là những tổ chức bất hợp pháp. Dù không được pháp luật Việt Nam cấp đăng ký và công nhận là tổ chức tôn giáo nhưng cả hai tổ chức này vẫn tìm mọi cách để lôi kéo nhiều người gia nhập. Quá trình lôi kéo người tham gia, các tổ chức này đã lồng ghép tuyên truyền tư tưởng phản động, chống Đảng Cộng sản, chống chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ hai, cả Pháp Luân Công và “Thanh Hải Vô Thượng Sư” đều không có giáo lý chính thống. Những thứ các tổ chức này dùng để tuyên truyền chỉ là sự sao chép, pha trộn giữa giáo lý Phật giáo và một số tôn giáo khác. Không những thế, Pháp Luân Công và “Thanh Hải vô thượng sư” còn bắt buộc những người theo các tổ chức này không thờ ông bà tổ tiên – đây là hành vi đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc.

Thứ ba, cả Pháp Luân Công và “Thanh Hải Vô Thượng Sư” đều lợi dụng những hoạt động từ thiện nhân đạo tiếp cận người dân để tuyên truyền, lôi kéo tham gia vào tổ chức; tổ chức phát tán ấn phẩm, tài liệu (sách, đĩa, tờ rơi, băng ghi âm, ảnh…) trái phép ở những nơi công cộng, khu đông dân cư; lập nhiều trang web và tài khoản trên mạng xã hội để chia sẻ, tuyên truyền, hướng dẫn luyện tập.

Thứ tư, lợi dụng nhu cầu muốn giao tiếp giải tỏa tâm lý của con người, cả Pháp Luân Công và “Thanh Hải Vô Thượng Sư” đều đưa ra “luận thuyết” nếu luyện tập đông người, luyện tập gần nhau, “cộng tu” sẽ nhanh tạo ra “công lực” để lừa gạt, mê hoặc, lôi kéo, tập hợp lực lượng. Nhiều người luyện tập đến mức mê muội, bị ảo giác, thậm chí thực hiện hành vi phạm tội, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Từ những hệ lụy mà Pháp Luân Công, “Thanh Hải Vô Thượng Sư” đã gây ra trong thời gian qua, hơn ai hết, mỗi chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cường công tác đấu tranh phản bác việc các tổ chức này lợi dụng các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật, âm mưu gây mất ổn định chính trị, xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đi ngược lại đạo đức, truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam…

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.