Cần cảnh giác với thủ đoạn kêu gọi, lôi kéo tham gia tổ chức “công đoàn độc lập” để chống phá Đảng, Nhà nước ta

Mới đây, Ban điều hành cái gọi là “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” đăng tải trên trang web của tổ chức này bức “THƯ NGỎ: Về việc quy định chi tiết về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo Bộ luật Lao động năm 2019” gửi Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ “ban hành ngay các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019 về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động” và đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động nêu trên của Chính phủ.

Điều 172 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) ghi rõ “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch”. Thử hỏi “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” có phải là tổ chức hợp pháp chưa hay chỉ là một tổ chức được thành lập một cách tự phát, hoạt động bất hợp pháp? Cổ nhân có câu “danh chính, ngôn thuận”, “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” lấy tư cách gì và dựa vào đâu để đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải như thế này hay như thế kia?

Thời gian qua, ở Việt Nam nổi lên khá nhiều cái tên đáng chú ý như “Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam”, “Công đoàn độc lập”, “Phong trào Lao động Việt”, “Liên đoàn Lao động Việt tự do”… Đây đều là những tổ chức chống phá do những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị kêu gọi thành lập dưới danh nghĩa đại diện cho người lao động song thực chất là muốn tập hợp lực lượng, một mặt dụ dỗ người lao động biểu tình trái pháp luật, gây rối trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh cũng như gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội, mặt khác chúng kêu gọi các tổ chức nước ngoài, nhất là các tổ chức phi chính phủ can thiệp thô bạo vào các vấn đề lao động, công đoàn ở Việt Nam. Xa hơn, bài học từ “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” trong việc làm sụp đổ chế độ của nước này rất đáng để chúng ta lưu tâm… Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ và các nước phương Tây luôn tìm mọi cách gây sức ép, đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận vấn đề công đoàn độc lập. Dễ dàng nhận thấy, đằng sau vỏ bọc hào nhoáng bảo vệ cho quyền lợi của người lao động là âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với Việt Nam. Có thể thấy, việc “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” đăng tải bức “Thư ngỏ” trên chính là bước đi đầu tiên trong lộ trình 4 giai đoạn mà các thế lực thù địch, phản động đang ra sức thực hiện hòng hiện thực hóa âm mưu hình thành lực lượng chính trị đối lập, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam, gồm: (1) Yêu cầu Việt Nam sớm ban hành Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động; (2) Từng bước tác động để người lao động thay đổi nhận thức và đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình thông qua tổ chức đại diện người lao động; (3) Hình thành tổ chức “Công đoàn độc lập” để cạnh tranh với Công đoàn Việt Nam, tạo nên “đa nguyên công đoàn”, gây chia rẽ, phân hóa giai cấp công nhân, đe dọa trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng; (4) Thúc đẩy đa nguyên chính trị, xỏa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tình hình trên đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Trong đó, cần triển khai nhanh chóng, quyết liệt 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra trong Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đối với mỗi người lao động, hơn lúc nào hết chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện và đấu tranh với thủ đoạn nguy hiểm nêu trên của các thế lực thù địch.

Hòa Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.