Cần hết sức cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc trắng trợn về tự do báo chí ở Việt Nam
Trong những năm qua, Việt Nam luôn ủng hộ và bảo đảm thực thi quyền tự do báo chí trên thực tế. Việt Nam đã, đang tham gia và nghiêm túc thực hiện các cam kết về tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan, cụ thể hoá quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng bằng các văn bản pháp lý. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật liên quan và qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua. Cụ thể, đến cuối năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng; khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Về nội dung thông tin trên báo chí, trong những năm qua, báo chí đã phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Bên cạnh các chương trình, tin tức thực hiện bằng tiếng Việt, một số cơ quan báo, đài còn thực hiện các chương trình, ấn phẩm bằng các tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ bà con các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa; thực hiện sản xuất các tin, bài trực tiếp bằng các ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật) hoặc phụ đề ngoại ngữ để giúp thông tin tuyên truyền lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế… Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, các tiện ích trên mạng xã hội, các hoạt động báo chí ngày càng trở nên đa dạng, phong phú; thông tin báo chí trở nên công khai, minh bạch và phổ biến tới người dân. Những số liệu, dẫn chứng cụ thể trên cho thấy diện mạo và thực tiễn đời sống báo chí, tự do báo chí tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi động, phản ánh những bước tiến đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, phớt lờ các thành tựu nổi bật của Việt Nam trên lĩnh vực báo chí trong thời gian qua, các tổ chức phản động tung ra hàng loạt các cáo buộc vô căn cứ, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do báo chí, vi phạm dân chủ, nhân quyền… Rõ ràng, các tổ chức này đang cố tình lờ đi Công ước của Liên hợp quốc về các quyền của dân sự và chính trị khẳng định rất rõ ràng rằng: Nhân quyền nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng không phải là vô hạn, mà trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia. Việt Nam cũng như bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, người dân có nghĩa vụ tuân thủ theo Hiến pháp, pháp luật và đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kỳ ai có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng luật định. Những cái tên mà các tổ chức phản động này dẫn ra như Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư…hoàn toàn không phải là nhà báo mà là những kẻ chống phá đất nước Việt Nam dưới vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền”. Núp dưới danh nghĩa “phản biện xã hội”, “nhà tranh đấu nhân quyền”, các đối tượng này đã móc nối với nhiều đối tượng chống đối ở trong và ngoài nước để tiến hành các hoạt động chống phá, vi phạm pháp luật Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Việc các tổ chức phản động tung hô, cổ xuý cho các đối tượng chống phá, vu khống, xuyên tạc, Việt Nam vi phạm tự do báo chí, vi phạm dân chủ, nhân quyền là hành vi không thể chấp nhận được. Chúng ta cần hết sức cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với các luận điệu sai trái này!
H.X