CẦN KIÊN QUYẾT BÁC BỎ QUAN ĐIỂM “KINH TẾ THỊ TRƯỜNG TẤT YẾU DẪN ĐẾN ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG”

Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm với nội dung cơ bản là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa được đề ra tại Đại hội lần thứ VI (năm 1986) của Đảng. Từ đó đến nay, đất nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội và luôn đạt mức tăng trưởng cao. Những thành tựu đó khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới nói chung và chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần nói riêng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng cần phải nhận thức rõ những tiêu cực do nền kinh tế nhiều thành phần gây ra, đặc biệt là nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Bàn luận về vấn đề này, nhiều nhà “dân chủ” đã cho rằng “Việt Nam thực hiện kinh tế nhiều thành phần mà lại chủ trương chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo là “mâu thuẫn”, là “nghịch lý”, do đó Việt Nam cần phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, chỉ như vậy mới là dân chủ”… Rõ ràng đây là giọng điệu của những kẻ chống phá, mục đích cuối cùng là muốn xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Cần thấy rằng, Việt Nam phát triển kinh tế thị trường nhưng không để cho nó vận động một cách tự phát, mù quáng mà phải lãnh đạo, hướng dẫn, điều tiết, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, vì lợi ích của Nhân dân, vì một xã hội công bằng, văn minh. Hơn nữa, với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, các thành phần kinh tế, các giai cấp, tầng lớp xã hội không có mâu thuẫn đối kháng về lợi ích. Lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động là thống nhất; cho nên không tạo ra những lực lượng chính trị đối lập trong xã hội và không có cơ sở xã hội cho các đảng phái chính trị đối lập xuất hiện. Do đó, chúng ta có thể khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ có vai trò lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và mang lại cho Nhân dân cuộc sống thực sự ấm no, tự do, hạnh phúc.

Tóm lại, không phải cứ thực hiện kinh tế nhiều thành phần thì phải đa đảng mới có dân chủ, còn một đảng thì không dân chủ. Mà vấn đề cốt yếu ở đây là bản chất đảng cầm quyền có thực sự vì lợi ích của Nhân dân hay không. Nếu một đảng cầm quyền, dù mang tên cộng sản, nhưng thoái hóa biến chất, xa rời quần chúng, xa rời Nhân dân, không có bộ máy và phương thức hoạt động bảo đảm được dân chủ; không có một cơ chế kiểm soát, giám sát được quyền lực; nếu như đảng đó không có khả năng xây dựng được một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân…  thì không bao giờ bảo đảm được dân chủ. Do đó, quan điểm cho rằng “kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” chỉ là chiêu trò chống phá quen thuộc của các thế lực thù địch, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

(HTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *