CÀNG XUYÊN TẠC CÀNG TRỞ NÊN THÊ THẢM!

Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội thường xuyên lợi dụng vấn đề lao động, việc làm, trong đó có việc xuất khẩu lao động để xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Bằng việc tung ra hàng loạt giọng điệu xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam “định hướng người dân đi xuất khẩu đem ngoại tệ về chứ có tạo sinh kế được cho dân đâu”, “đẩy dân đi làm tôi mọi cho nước khác”, các thế lực thù địch đã phủ nhận nỗ lực bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân, nhất là xuyên tạc bản chất của chủ trương xuất khẩu lao động, hòng phục vụ mục đích đen tối của chúng là chia rẽ, kích động chống phá chế độ ta. Sự thật thì sao?

Nỗ lực tạo việc làm thỏa đáng và bền vững cho người dân là ưu tiên của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Trong những năm qua, trên cơ sở quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững vì con người, lấy con người là trung tâm, không phân biệt giới tính, độ tuổi, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển thị trường lao động, tạo việc làm thỏa đáng cho tất cả người dân. Thông qua việc ban hành Nghị quyết số: 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia, Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững và việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người. Cùng với đó, Việt Nam đã phê chuẩn 7/8 Công ước của ILO cùng với nhiều cải cách pháp luật lao động, góp phần mang lại cơ hội tốt hơn cho người dân được tiếp cận với việc làm thỏa đáng. Những nỗ lực của Chính phủ để tạo việc làm thỏa đáng còn được thể hiện mạnh mẽ qua Chương trình Hợp tác quốc gia về việc làm bền vững và thỏa đáng (DWCP) tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam, lao động có việc làm quý III/2024 đạt hơn 51,6 triệu người, tăng 114,7 nghìn người (tương ứng tăng 0,22%) so với quý II/2024 và tăng 244,7 nghìn người (tương ứng tăng 0,48%) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm đạt 51,5 triệu người, tăng 212 nghìn người (tương ứng tăng 0,41%) so với 9 tháng năm 2023. Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III/2024 là 7,6 triệu đồng, tăng 176 nghìn đồng so với quý II/2024 và tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu lao động là hình thức cung ứng lao động phổ biến trên phạm vi toàn cầu

Điều 7 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 của Liên hợp quốc quy định về sự bình đẳng, được bảo đảm các điều kiện làm việc giữa các lao động. Việc thực hiện quyền này chỉ bị những hạn chế quy định trong pháp luật và cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích của an ninh quốc gia và trật tự công cộng, hoặc vì mục đích bảo vệ các quyền và tự do của những người khác. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong Công ước số 98 năm 1949 và Công ước số 143 năm 1975 về lao động di cư bước đầu đã thể chế hóa quyền của lao động di trú. Trên cơ sở đó, năm 1990 Liên hiệp quốc đã ban hành Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ. Công ước này đã có những quy định cụ thể về quyền làm việc của lao động di cư tại các quốc gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền làm việc của lao động di cư trong thực tế. Như vậy, có thể thấy, xuất khẩu lao động là một hình thức hoạt động mua – bán hàng hóa sức lao động trong nước cho những người sử dụng lao động nước ngoài, một trong những hình thức cung ứng lao động phổ biến hiện nay trên phạm vi toàn cầu, không chỉ riêng mỗi Việt Nam.

Chính sách quan tâm, bảo hộ người lao động Việt Nam ở nước ngoài là không thể phủ nhận

Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020; Nghị định số: 112/2021/NĐ-CP ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019 đã tạo khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh thúc đẩy việc bảo vệ quyền của người lao động di cư theo tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức di cư quốc tế (IOM) từ tháng 11/2007; đã và đang tích cực triển khai các chính sách và biện pháp trong khuôn khổ Kế hoạch quốc gia về thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (thỏa thuận GCM). Việt Nam cũng đã tham gia tích cực các hoạt động của ILO cũng như các diễn đàn quốc tế trên lĩnh vực này. Điều đó đã thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, khẳng định những nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và những tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động đưa công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, bảo hộ người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Từ những dẫn chứng trên cho thấy, việc các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc chủ trương xuất khẩu lao động và chính sách quan tâm, bảo hộ người lao động Việt Nam ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước ta, vu khống Việt Nam “không tạo sinh kế được cho dân đâu”, “đẩy dân đi làm tôi mọi cho nước khác” chỉ càng khiến chúng trở nên thê thảm hơn mà thôi!

(Hoà Xuân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *