Cảnh báo hội chứng “Cuồng thần tượng” trong giới trẻ

Trong cuộc sống, ai cũng có những sở thích, đam mê và những thần tượng riêng. Chúng ta thần tượng một người vì ngưỡng mộ, quý trọng nhân cách và tài năng của họ trong từng lĩnh vực khác nhau. Việc có thần tượng hoàn toàn là điều tốt nếu chúng ta biết hâm mộ một cách đúng đắn, bởi nó không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần mà còn tạo động lực để chúng ta học hỏi, không ngừng cố gắng và phát triển mình hơn.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại là rất nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay lại hâm mộ thần tượng tới mức cuồng dại, lên trên cả vấn đề đạo đức, học tập, sức khỏe.

Những “thần tượng” khiến giới trẻ phát cuồng là ai?

Hiện nay, đa số thần tượng của giới trẻ là những ca sĩ, diễn viên có ngoại hình xinh đẹp, được truyền thông đánh bóng tên tuổi. Trong số các thần tượng đó, không ít người nổi tiếng nhờ tai tiếng, không tạo ra sản phẩm nghệ thuật có giá trị nhưng lại có nhiều phát ngôn thiếu văn hóa, cũng như nhiều bê bối liên quan vấn đề nhân phẩm, thậm chí nhiều “thần tượng” còn vi phạm pháp luật phải đi tù. Điển hình như Ngô Diệc Phàm (một nam diễn viên nổi tiếng tại Trung Quốc có số lượng người hâm mộ đông đảo tại Việt Nam) đã đi tù vì tội hiếp dâm với trẻ vị thành niên, cưỡng dâm tập thể, sử dụng ma túy, môi giới mại dâm.  Tại Việt Nam, ca sĩ có nghệ danh J. (tên T.T.P.T) vướng bê bối tình cảm, sống “sở khanh”, có con nhưng thiếu quan tâm bị cư dân mạng lên án. Hay thậm chí, một bộ phận giới trẻ từng thần tượng, tung hô những hiện tượng mạng như “Khá Bảnh” – người hiện đang ăn năn trong tù…

Thần tượng lệch chuẩn và những hệ lụy

Có thể thấy, các fan cuồng thường có xu hướng bắt chước, làm theo “thần tượng”, từ thay đổi ngoại hình theo thần tượng đến thay đổi các mối quan hệ xã hội, thay đổi cảm xúc cá nhân. Thế nên, nếu thần tượng có hành vi ứng xử hay phát ngôn lệch chuẩn thì các fan sẽ càng có xu hướng bắt chước phong cách lệch chuẩn theo. Ngoài ra, một bộ phận giới trẻ vẫn bất chấp tất cả để sống chết vì thần tượng, sẵn sàng bảo vệ thần tượng không cần biết đúng sai, và khi cảm xúc vượt quá giới hạn, không thể kiểm soát thì có thể dẫn đến tình trạng mất lý trí, tạo nên một loạt hiện tượng xã hội đáng lo ngại, như: Trên Facebook, những fan cuồng thành lập “Hội bảo vệ Ngô Diệc Phàm”, đòi phải thả người hay nhận đi tù thay thần tượng. Trên TikTok xuất hiện hàng loạt những clip kèm lời “động viên” ca sỹ J.: “Nếu J. có sai, chúng em sẽ sai cùng anh”, “một ngày là thần tượng mãi mãi là thần tượng”. Hay việc một nhóm bạn trẻ còn quỳ xuống hôn ghế một ca sĩ Hàn Quốc đã ngồi khi lưu diễn tại Hà Nội. Có bạn trẻ còn lên mạng xã hội chửi bới cả bố mẹ, đòi tự tử, tuyệt thực vì không cho tiền mua vé đi gặp “thần tượng”; sẵn sàng sử dụng bạo lực khi có người chê “thần tượng” của mình..v.v.

Việc hâm mộ và bảo vệ thần tượng bất chấp sai trái như vậy có thể ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hành vi của lớp thế hệ trẻ. Nếu “cuồng thần tượng” quá đà thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Tệ hơn nữa, một số bạn trẻ còn có những hành vi mất đạo đức, ảnh hưởng đến sức khỏe như: mắng chửi cha mẹ, người thân, tuyệt thực, thức đêm, ăn mặc phản cảm… Thậm chí còn trở thành tệ nạn của xã hội khi đi trộm cắp, cướp tài sản vì không đủ tiền đua đòi cùng “hội fan cuồng”.

Xây dựng văn hóa thần tượng lành mạnh

Sự thái quá, phát cuồng của giới trẻ một phần do việc chọn lựa thần tượng chủ yếu từ cảm tính, theo trào lưu. Bên cạnh đó, vì đa phần các bạn trẻ đều đang độ tuổi đi học, nên phần nào còn thiếu kỹ năng sống, sự định hình giá trị sống cũng chưa rõ ràng, không thể xác định được chân dung một thần tượng đúng nghĩa, phần lớn chỉ mới thấy thán phục một yếu tố hoặc thích một đặc điểm nào đó đã coi đó là thần tượng của mình.

Do đó, để đưa giới trẻ ra khỏi trào lưu đáng ngại ấy, thực sự cần có cái nhìn cảm thông và trách nhiệm hơn từ nhiều phía, ngoài những yếu tố từ nhà trường, xã hội, không thể thiếu sự dẫn dắt của gia đình. Các phụ huynh cần dành nhiều thời gian cho con, quan tâm những điều chúng thích và thường xuyên trò chuyện với con về vấn đề này để dễ dàng cảm nhận, định hướng cho con ngay từ khi chúng còn bé. Tuy nhiên, định hướng không phải sự áp đặt, không nên áp đặt quan điểm cá nhân của phụ huynh cho con, vì ai cũng có cho mình những sở thích, cá tính riêng. Đặc biệt và quan trọng nhất, đối với bản thân người hâm mộ dù có ở lứa tuổi nào cũng cần sự lý trí và hiểu biết. Chúng ta có thể thần tượng một ai đó nhưng chúng ta không thể bao che hay mù quáng trước những sai lầm của họ.

Chi Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.