Cảnh giác chiêu trò giả danh Công an, Viện kiểm sát để lừa đảo!!!

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Phú Yên xảy ra nhiều vụ giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát để lừa đảo người dân chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Chúng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới các số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát như: 6010xxxxxx, 6016xxxxxx, 6017xxxxxx, 6012xxxxxx, 6014xxxxxx…. để gọi điện thoại cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân…; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Sáng ngày 19/11/2020, bà H (76 tuổi) trú tại TP.Tuy Hòa nhận cuộc gọi của một người sử dụng số điện thoại 6010xxxxxx tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Phú Yên với nội dung là bà có liên quan đến một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Công an tỉnh điều tra truy bắt, yêu cầu bà H rút hết số tiền tiết kiệm tại Bưu điện chuyển tiền vào tài khoản do người này cung cấp để điều tra, sau khi kết thúc điều tra sẽ hoàn trả lại số tiền mà bà đã chuyển và dặn không được tiết lộ với ai… Tin vào những thông tin mà các đối tượng đưa ra, ngay trong buổi sáng 19/11/2020, bà H đã đến Bưu điện Tuy Hòa rút tiền tiết kiệm 100.000.000 đồng trong tài khoản của mình và gửi đến số tài khoản mà đối tượng gửi đến cho bà và bị chiếm đoạt.

Một trường hợp tương tự, ngày 19/11/2020, bà D (77 tuổi), trú tại TP.Tuy Hòa bị một đối tượng sử dụng số điện thoại 6017xxxxxx tự xưng là cán bộ Công an tỉnh đang công tác tại Phòng cảnh sát điều tra gọi điện cho bà nói bà liên quan đến một đường dây tội phạm xuyên quốc gia và yêu cầu bà D chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để giải oan. Bà D đã chuyển số tiền 1.000.000.000 đồng vào tài khoản mà đối tượng cung cấp.

Sau khi bà D chuyển tiền thì số điện thoại gọi đến cho bà không có tín hiệu kết nối. Bà D cho biết: “Người gọi đến nói chính xác tên, tuổi và đưa ra những thông tin chính xác về số tiền có trong tài khoản, lịch sử giao dịch tại ngân hàng… nên tôi rất tin, rồi cứ thế ra ngân hàng chuyển tiền”…

Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo sử dụng công nghệ cao, người dân cần chú ý:

– Người dân cảnh giác với các số điện thoại lạ, số giả gọi đến yêu cầu xác minh thu nhập, thông tin tài khoản ngân hàng…. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

– Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là mạo danh lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại thì đề nghị họ cho biết tên, địa chỉ nơi làm việc để đến trực tiếp trao đổi. Ghi nhận lại nội dung và báo ngay cho cơ quan Công an.

– Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội; không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội…

– Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết./.

LÊ THẢO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *