CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁC CHIÊU BẨN CỦA NHỮNG KẺ CHỐNG PHÁ!

Trong những năm qua, nhất là khi Bộ Luật Lao động năm 2019 được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường thực hiện các hoạt động thúc đẩy thành lập cái gọi là tổ chức “công đoàn độc lập” ở Việt Nam. Đây là thủ đoạn hết sức nguy hiểm, chúng ta cần hết sức tỉnh táo để nhận diện và đấu tranh với chúng!

Cần hiểu đúng về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở…

Tổ chức đại diện người lao động là tổ chức có vị trí quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Quyền tự do hiệp hội (hay còn gọi là quyền tự do liên kết) của người lao động là một trong những quyền cơ bản của quyền con người. Bộ luật Lao động năm 2019 đã có những quy định mới về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mang tính đột phá.

Theo đó, ngoài tổ chức công đoàn, trong doanh nghiệp có thể có những tổ chức đại diện người lao động độc lập, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động tại cơ sở. Chương XIII (từ Điều 170 đến Điều 178) Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định cụ thể việc thành lập, gia nhập, hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động và sự bảo đảm hoạt động của tổ chức đại diện người lao động. Theo đó, người lao động tại doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn tham gia công đoàn cơ sở trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, được điều chỉnh bởi Luật Công đoàn năm 2012 hoặc lựa chọn gia nhập tổ chức đại diện người lao động khác, độc lập với công đoàn, không trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, do người lao động tự nguyện lập ra, được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động năm 2019.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được thành lập và hoạt động hợp pháp kể từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đăng ký. Bởi lẽ, quyền tự do lập hội là quyền con người của người lao động được pháp luật quốc tế thừa nhận nhưng vẫn phải đặt trong khuôn khổ pháp luật, hài hòa lợi ích với người sử dụng lao động và của cộng đồng. Việc quy định chặt chẽ sẽ giúp cho việc thi hành các quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đạt hiệu quả và Nhà nước có thể kiểm soát, quản lý các tổ chức này theo đúng mục đích, tôn chỉ tránh việc các tổ chức đại diện vi phạm pháp luật. Trong quá trình hoạt động, tổ chức đại diện người lao động có thể bị thu hồi đăng ký khi vi phạm tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức theo điều lệ hoặc tổ chức đại diện người lao động chấm dứt sự tồn tại trong trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất giải thể hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng nguyên tắc tổ chức và hoạt động phải bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch. Thực hiện nguyên tắc tự nguyện, tự quản tốt sẽ thể hiện quyền làm chủ của chính những thành viên tổ chức. Để bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết của người lao động, tránh sự can thiệp mang tính hành chính của Nhà nước tới quyền của tổ chức, vi phạm nguyên tắc tự do liên kết, Bộ luật Lao động năm 2019 chỉ có các quy định khung mang tính chất định hướng còn việc cụ thể các nguyên tắc tổ chức và hoạt động sẽ do chính các thành viên của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở xây dựng, thông qua và thực hiện theo Điều lệ.

Như vậy các quy định trên đã có sự tương thích với các định của pháp luật quốc tế. Bởi theo ILO, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức người lao động phải do chính tổ chức đó xây dựng, ghi nhận trong Điều lệ và điều đó thuộc về phạm vi tự quản, tự chủ của chính tổ chức đó, miễn không trái với pháp luật quốc gia. Pháp luật lao động còn quy định Chính phủ sẽ quy định chi tiết một số nội dung của Điều lệ, từ đó tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động hiệu quả của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Để không bị kẻ xấu lợi dụng, kích động…

Tuy nhiên, bằng thủ đoạn đánh tráo khái niệm quen thuộc, các tổ chức phản động, thiếu thiện chí với Việt Nam đã không ngừng xúi giục, kích động, dụ dỗ, lôi kéo công nhân và người lao động Việt Nam, kêu gọi thành lập các tổ chức với vỏ bọc là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động song bản chất lại chứa đựng mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Từ đó, từng bước tạo dựng lực lượng chính trị đối lập, thay thế tổ chức công đoàn ở nước ta, phủ nhận, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Công đoàn độc lập” hay “nghiệp đoàn độc lập” mà các đối tượng đang ra sức cổ súy để thành lập sẽ không thể thay thế vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam – một tổ chức mà xuyên suốt 95 năm qua luôn đồng hành cùng giai cấp công nhân, người lao động Việt Nam; đã và đang thực hiện tốt các chức năng đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Đồng thời, có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế – xã hội, quản lý Nhà nước trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật; thường xuyên tổ chức, giáo dục động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…

Mỗi chúng ta, nhất là công nhân và người lao động trong các doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để không mắc mưu, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật!

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *