CẢNH GIÁC TRƯỚC HÀNH VI LỢI DỤNG HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ ĐỂ TRỤC LỢI CÁ NHÂN, VI PHẠM PHÁP LUẬT
Trong xã hội thông tin hiện nay, vai trò, chức năng của báo chí ngày càng được khẳng định thông qua việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần phát hiện và đề xuất cách giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực to lớn đó, thời gian qua cả nước xảy ra nhiều vụ việc sai phạm của phóng viên, nhà báo như: Cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương,… ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nghề báo, người làm báo chân chính trên cả nước.
Một số vụ điển hình như:
Ngày 02/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hai đối tượng N. (SN 1983) và N.V.T (SN 1981) là phóng viên và cộng tác viên của một cơ quan báo chí để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản.
Ngày 31/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với L.H.V (1989), phóng viên thuộc một cơ quan báo chí có văn phòng đại diện tại khu vực miền Trung và Tây nguyên về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tại tỉnh Phú Yên, tháng 3/2023, Công an huyện Sơn Hòa đã xử phạt vi phạm hành chính 04 triệu đồng đối với ông P.B.H (SN 1982, ở huyện Sông Hinh, Phú Yên) vì đã có hành vi lén lút, tự ý chụp ảnh, quay video trong Công ty sản xuất mía đường tại thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa vào thời điểm công ty này đang hoạt động sản xuất, làm việc bình thường, khi chưa có yêu cầu hoặc đồng ý của doanh nghiệp này, gây cản trở hoạt động bình thường của công ty. Khi làm việc với cơ quan chức năng, ông H tự nhận là phóng viên của chuyên trang một tòa báo nhưng không có giấy tờ chứng minh là phóng viên của tòa báo này.
Hiện nay, tình trạng một số cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với nhiều cách thức gây phiền hà như: Gửi văn bản yêu cầu giải trình, cung cấp thông tin, cử nhà báo, cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin…đang diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, có hiện tượng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên lợi dụng việc nắm được những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính; vòi vĩnh cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân. Đây là những hoạt động thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật; làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.
Hiện tượng này đã tồn tại âm ỉ một thời gian, nhưng gần đây có chiều hướng gia tăng, biến tướng phức tạp. Một phần nguyên nhân của tình trạng trên là do sự suy thoái, yếu kém về đạo đức; sự buông lỏng quản lý, giáo dục của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo cơ quan báo chí tạo sức ép về làm kinh tế, thậm chí là giao, khoán chỉ tiêu doanh thu, quảng cáo cho văn phòng đại diện, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên; từ đó làm ngơ, dung túng để những việc làm nhũng nhiễu nêu trên diễn ra.
Những hành vi tiêu cực nêu trên cần được phát hiện, tố giác, đấu tranh để loại bỏ ra khỏi xã hội. Vì vậy, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, các cơ quan, doanh nghiệp, người dân cần phải lưu lại thông tin, tài liệu, bằng chứng, kịp thời báo cho cơ quan chức năng của địa phương (Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh…) để xử lý nghiêm theo quy định.
TTYN