CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ VIỆC MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC ĐỐI VỚI CÁN BỘ CỦA BBC

Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (Quy định 41) được ban hành là cấp thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới. Tuy nhiên, Quy định này đang trở thành một trong những tâm điểm, được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng để chống phá công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta. Điển hình như bài viết: Quy định 41 của Bộ Chính trị giúp cán bộ cấp cao “hạ cánh an toàn” của BBC đang được phát tán rộng rãi trên nhiều diễn đàn phản động trong thời gian gần đây. Với góc nhìn lệch lạc, bài viết cho rằng Quy định 41 đưa ra Quy trình “xin thôi” hay còn gọi là “hạ cánh an toàn”, giúp Đảng giữ hình ảnh trong mắt công chúng và giúp các đảng viên cao cấp mắc sai phạm thoát khỏi khả năng bị truy tố hình sự. Đây là luận điệu xuyên tạc nguy hiểm, bóp méo tinh thần: siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và bước đột phá mới của Quy định 41 dẫn đến những nhận thức sai lệch trong dư luận xã hội về công tác cán bộ của Đảng, cũng như công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Trước hết, cần nhận thức rõ, Quy định 41 có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng rất rõ ràng. Đó là, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Phạm vi điều chỉnh của Quy định 41 là tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở nước ta, không phải là quy định riêng đối với cán bộ cấp cao. Rõ ràng, bài viết của BBC đã cố tình thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Quy định 41 “một cách có chủ đích” nhằm hướng lái dư luận theo những luận điệu sai trái, từ đó có sai lầm trong nhận thức và hành động. Chiêu trò này không khó nhận biết nhưng rất nham hiểm, thể hiện rõ mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước của người viết.

Hai là, nội dung của Quy định 41 không có “cái gọi là” Quy trình “hạ cánh an toàn” như sự xuyên tạc của BBC. Quy định 41 đưa ra Quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức. Đây là sự cụ thể hóa chủ trương tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu… đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, được Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ. Cùng với các quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm, Quy định 41 tạo điều kiện cho việc nêu cao văn hóa từ chức, văn hóa miễn nhiệm trong đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phù hợp kỳ vọng của nhân dân. Việc cố tình đánh đồng khái niệm “miễn nhiệm”, “từ chức” với cụm từ “hạ cánh an toàn” để xuyên tạc nội dung Quy định 41 của BBC là hành động suy diễn vô căn cứ, phá hoại, làm sai lệch hoàn toàn về bản chất của Quy định 41. Bên cạnh đó, những cán bộ đã từ chức, miễn nhiệm theo Quy định 41 vẫn có thể bị xử lý hình sự, nếu cơ quan điều tra phát hiện ra những sai phạm đến mức phải xử lý. Không hề có sự “hạ cánh an toàn” cho cán bộ sai phạm như những gì BBC đang xuyên tạc. Những luận điệu của BBC, rõ ràng đã hạ thấp vị trí, ý nghĩa của Quy định 41, xuyên tạc nghiêm trọng công tác cán bộ của Đảng, gây tâm lý hoang mang, dao động trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân vào công tác cán bộ của Đảng.

Ba là, Quy định 41 không nhằm mục đích giúp Đảng giữ hình ảnh trong mắt công chúng. Trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam là biểu tượng của đạo đức, văn minh. Điều đó không luận điệu xuyên tạc nào có thể phủ nhận. Để không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng ta không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng tầm bản lĩnh và trí tuệ, ngày càng thật sự vững vàng về tư tưởng chính trị, thống nhất cao về ý chí, hành động, trong sạch về đạo đức, lối sống, chặt chẽ về tổ chức và gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng xây dựng các quy định nghiêm minh về công tác cán bộ (như Quy định 41) không phải để “đẹp” hơn trong lòng nhân dân; mà là sự thể hiện rõ bản lĩnh, trách nhiệm, vị thế, uy tín của Đảng trước nhân dân, trước vận mệnh của dân tộc. Đây là hoạt động “tự thân” trong sự vận động, phát triển của Đảng, giúp Đảng không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cùng dân tộc, luôn đáp ứng ngày tốt kỳ vọng của nhân dân.

Từ những phân tích trên có thể khẳng định, luận điệu xuyên tạc về Quy định 41 của BBC là hoàn toàn sai trái, vô căn cứ, mang tính chất xuyên tạc, chống phá nghiêm trọng công tác cán bộ của Đảng. Mục đích cuối cùng của những luận điệu này là hướng lái, kích động chia rẽ khối đoàn kết giữa nhân dân với Đảng; tiếp tay cho các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Nhận thức rõ bản chất, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những luận điệu sai trái này là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta./.

(NVV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *