Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc việc xử lý cán bộ, Đảng viên vi phạm
Thời gian qua, cùng với công tác chống tham nhũng, Đảng tăng cường chấn chỉnh, xử lý, kỷ luật Đảng viên có sai phạm. Xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, theo lẽ thường, là công việc thường xuyên nhằm nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Theo con số thống kê, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến tháng 9-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.370 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 23 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (có 2 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 1 đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Việc kiên quyết xử lý các cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, có hành vi sai phạm, đặc biệt là cán bộ cấp cao, đã góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin trong nhân dân
Tuy nhiên, cứ mỗi khi có cán bộ, đảng viên cấp cao bị xử lý, kỷ luật, thì các phần tử bất mãn, phản động, thù địch lại xem đó là cơ hội để xuyên tạc, bôi xấu.
Chẳng hạn mới đây, trước thông tin Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng. Ngay lập tức, trên một số trang mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết cho rằng đây là kỷ luật “bất thường” trước thềm Đại hội XIII của Đảng. Các đối tượng bất mãn, phản động, chống phá này hay áp dụng là gán ghép một cách thô thiển, trắng trợn việc xử lý các vụ việc sai phạm với việc thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị. Chúng xuyên tạc rằng cuộc chiến chống tham nhũng thực chất là “cuộc chiến phe phái” và rằng đó là “cuộc đấu đá nội bộ”. Từ đó, gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động về mục đích, tính chất của công tác phòng, chống tham nhũng. Thậm chí, chúng còn cố tình quy chụp đó là “sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng Cộng sản lãnh đạo”, quy kết nguyên nhân là bởi “Đảng Cộng sản thiếu năng lực”, là “Đảng Cộng sản không thể phòng, chống được tham nhũng”… Mục đích không chỉ nhằm công kích Đảng, Nhà nước, mà các phần tử bất mãn, phản động còn tìm cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ hiện nay của chúng ta.
Trước hết, việc kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình là có căn cứ, trải qua quá trình điều tra từ lâu. Theo như Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương tại Kỳ họp thứ 49 cho thấy, khi là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục.
Thứ hai, đây không phải lần đầu tiên Đảng ta xử lý cán bộ sai phạm. Nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp, còn đương chức hay đã về hưu, có sai phạm đều bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt, với quyết tâm cao, không có vùng cấm, những vụ tham nhũng lớn, hay còn gọi là “đại án” tham nhũng, đã được đưa ra xét xử với các bản án nghiêm minh. Trong số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật có cả cán bộ đương chức (ông Đinh La Thăng, ông Võ Kim Cự, bà Hồ Thị Kim Thoa, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Huỳnh Đức Thơ, ông Trịnh Xuân Thanh…), cả cán bộ đã nghỉ hưu (ông Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Phong Quang, ông Dương Anh Điền…).
Trong các lực lượng vũ trang, công tác xử lý cán bộ sai phạm cũng được tiến hành nghiêm túc. Hồi đầu năm 2020, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam một số đối tượng nguyên cán bộ thuộc Binh đoàn 15 (Tổng công ty 15) về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ngày 20-11-2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra bản kết luận điều tra vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” tại Hà Nội và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để truy tố đối với 4 bị can, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Thứ ba, việc xử lý các cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, có sai phạm, vi phạm pháp luật là việc làm cần thiết để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, không ngừng làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kháng chiến trước kia và hòa bình, xây dựng đất nước hiện nay. Thực tế trong lịch sử 90 năm rèn luyện phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng CSVN đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, coi đó chính là khâu “then chốt của nhiệm vụ then chốt”. Công tác xây dựng Đảng được thực hiện thường xuyên, liên tục, trên cả hai mặt “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, lâu dài, “chống” là quan trọng, cấp bách.
Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm. Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin, tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Tất nhiên, việc phải xem xét, xử lý cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí cán bộ cấp cao, là điều không ai mong muốn. Nhưng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thì nhất định phải loại khỏi đội ngũ những phần tử thoái hóa, biến chất, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 ngày 12/12/2020: “chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe nọ cánh kia”, nhất là vào dịp chúng ta đang chuẩn bị để tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, “chùn bước” những người nhỡ “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và dũng khí”.
(Theo HSV)