Cảnh giác với các chiêu trò của những phần tử cơ hội hòng phá hoại cuộc bầu cử

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 dự kiến sẽ diễn ra vào Chủ nhật ngày 23/5 tới đây. Trong khi các cấp, ngành đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cho cuộc bầu cử diễn ra thành công, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân thì các phần tử cơ hội chính trị cũng tích cực tiến hành các hoạt động chống phá. Qua những gì chúng thể hiện thời gian qua, có thể nhận diện một số thủ đoạn, chiêu trò hòng phá hoại bầu cử, như sau:

Một là, thông qua các nền tảng mạng xã hội, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đăng tải các bình luận, nhận xét, đánh giá sai sự thật, phiến diện, quy chụp, xuyên tạc hòng hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm, mơ hồ liên quan đến hoạt động bầu cử trong nhân dân.
Hai là, sử dụng chiêu “tự ứng cử” và “tẩy chay bầu cử”. Cụ thể, để đánh bóng tên tuổi của bản thân trong giới “dân chủ”, một số kẻ cơ hội, chống đối sẽ tung chiêu “tự ứng cử”, sau đó hô hào những kẻ trên bến, dưới thuyền trong hội “những nhà dân chủ cuội” cùng ký tên ảo, tung hô, ủng hộ cho chúng. Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các đối tượng này sẽ “cào mặt ăn vạ”, lên mạng xã hội rêu rao những luận điệu vô cùng sai trái như: “Đảng Cộng sản cố tình cản trở người ngoài Đảng tự ứng cử vào Quốc hội”; “cuộc bầu cử đã được định sẵn từ trước, do Đảng Cộng sản chi phối, định đoạt”, “đàn áp bất đồng chính kiến, dùng thủ đoạn để loại bỏ những người tự ứng cử để thành lập quốc hội 100% đại biểu là do đảng cử làm bù nhìn cho đảng đó”… và kêu gọi người dân “tẩy chay bầu cử”. Sau đó, các “nhà dân chủ cuội” này bắt đầu tung ra những luận điệu đòi phải thay đổi “những quy định khắt khe” về đề cử, ứng cử, lập danh sách ứng viên, bãi bỏ việc hiệp thương, xóa bỏ quan điểm “Đảng cử dân bầu”…
Những luận điệu này sẽ được các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng, xuyên tạc, công kích công tác bầu cử của Việt Nam, tạo cớ can thiệp sâu vào công việc nội bộ của nước ta.
Thực tế là tại Việt Nam, ứng cử và tự ứng cử là quyền của công dân và không bị hạn chế. Người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử đều có quyền lợi như nhau và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ tham gia. Điều này đã được thể hiện rất rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản luật liên quan. Việc lựa chọn những ứng cử viên để bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành theo đúng quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng đã nêu rất rõ: “kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Có thể thấy, những chiêu trò trên của các thế lực chống đối, thù địch không phải là mới song lại rất nguy hiểm, với đích đến cuối cùng chính là chống phá Nhà nước, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ. Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam, nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân không thể có chỗ cho những kẻ cơ hội, thù địch. Vì vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết vạch trần các âm mưu, hoạt động chống phá bầu cử, kịp thời đấu tranh, phản bác, ngăn chặn một cách hiệu quả, không để các thế lực xấu lợi dụng.

Quốc Hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *