CẢNH GIÁC VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN CÔNG CUỘC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO CỦA NƯỚC TA
Lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã phát tán nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Việt Nam trong công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn, chia rẽ đoàn kết trong nước và quốc tế.
Nội dung xuyên tạc thường được chúng rêu rao đó là: “Cộng sản Việt Nam làm ngơ về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông”; Đảng, Nhà nước Việt Nam im lặng vì đã thỏa hiệp với nước lớn, không cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình Biển Đông, không có giải pháp đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Những thông tin xuyên tạc này tuy không mới nhưng cũng ít nhiều tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, niềm tin của một bộ phận Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, trong đó chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, về biện pháp tiến hành, cần phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, linh hoạt, thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong các tình huống cụ thể với mục tiêu cao nhất là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc. Quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quốc gia theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là rất rõ ràng và hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Với những vấn đề còn tồn tại bất đồng, tranh chấp, Việt Nam nhất quán giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế. Là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã tham gia ký kết UNCLOS 1982, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp và nguyên tắc quan hệ quốc tế; kiên trì con đường giải quyết các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực, quốc tế.
Việt Nam luôn nỗ lực cao nhất để xử lý các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển; duy trì quan hệ hữu nghị với các bên, các nước. Kiên trì mục tiêu không để nước ngoài lấn chiếm nhưng cũng không để xảy ra xung đột; kiên trì tìm kiếm giải pháp lâu dài và yêu cầu các bên liên quan không có những hành động quá khích, cực đoan, làm phức tạp thêm tình hình, tuân thủ các cam kết đã ký kết, giải quyết mọi bất đồng trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và nguyên tắc chung sống hòa bình. Coi trọng thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược với các đối tác; đẩy mạnh hợp tác đa phương trên các lĩnh vực bảo đảm an ninh, nghiên cứu khoa học – công nghệ, phòng, chống tội phạm trên biển… để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Dự báo trong thời gian đến, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, đòi hỏi các cấp, ngành nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn, đặc biệt là phương thức hoạt động mới của các thế lực thù địch trên không gian mạng để đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, sai sự thật liên quan đến tình hình biển, đảo. Cùng với đó, cần tăng cường cung cấp thông tin chính thống về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo một cách kịp thời, chính xác, khách quan, trung thực; không để những “khoảng trống tâm lý, tâm trạng” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc.
(NA.PB)