Cảnh giác với mỗi nút nhấn

Hiện nay, khoa học công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển. Một sự vật hiện tượng xảy ra có thể chia sẻ đến bất cứ địa điểm, thời gian nào, khi được đưa lên trang mạng xã hội. Chỉ bằng một cú nhấp chuột, trong “chớp mắt”, nó sẽ được “phát tán” đến rất nhiều đối tượng.

Ảnh minh họa

Nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội có sự quan tâm của người dân, tốc độ “dầu loang” của sự vật, hiện tượng đó càng lan nhanh. Lợi dụng vào khả năng lan truyền với tốc độ cao, các đối tượng thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước dễ dàng lôi kéo, tạo ra “làn sóng” bằng “số đông” để lấy cớ kích động, xuyên tạc…

Việc tán phát thông tin nhằm lôi kéo, xúi giục chống đối lại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là âm mưu, thủ đoạn, hành vi lộ rõ có chủ ý của các đối tượng thù địch. Hành vi của các đối tượng thù địch, chống đối là rất tinh vi, không phải chỉ đọc, xem là đã có thể nhận diện. Nó đòi hỏi phải có năng lực thẩm định, tính nhạy bén thế sự, sự trải nghiệm và sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực đó.

Trong khi đó, lời nói dối thường “có cánh”, ngôn ngữ lại xảo biện, thủ đoạn, âm mưu có chủ đích, kín kẽ. Chỉ bằng chủ quan của cá nhân rất dễ sa vào “mê cung” và nhầm lẫn nếu không có nhận thức đúng, đủ sâu sắc. Tất nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít người, có thể là theo thói quen hay vô tình vào xem, đọc trang đó rồi thích (like) hay chia sẻ (share) về trang của mình. Dẫu là vô tình, nhưng những cái nhấp chuột ấy đã tiếp tay cho các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước có cớ để tập trung và rêu rao.

Việc được biết thông tin là quyền của mỗi con người. Nhưng để hiểu rõ và nắm chắc thông tin ấy lại là một chuyện khác, không phải ai cũng là người am tường sự vật hiện tượng đó. Bởi thế, những thông tin trên mạng, muốn “tỏ tường” nhất định phải được kiểm định. Nhất là thói quen “lai dạo”, “sết lấy lòng” của không ít người tiện tay nhấp nút “thích” hay “chia sẻ” đã và đang tạo nên một “đám đông” đối trọng, gây hoài nghi trong dư luận xã hội và đời sống.

Khi có thông tin phản biện, trái với hành vi và suy nghĩ của mình, “tay nhúng chàm”, bảo thủ, cái tôi lớn hơn cái chúng ta, cố kiết nói lấy được, thậm chí còn trích dẫn những tài liệu sai sự thật, chưa được kiểm định để chứng minh. Và khi đã “tự tham gia” vào đám đông, vô hình trung đã tự đánh mất mình. Một sự đánh mất mình mà không hề biết. Khi biết, nhận ra thì đã quá muộn. Có “quay đầu là bờ” thì cũng là điều đáng tiếc, một vết ố trong nhận thức và hành động của bản thân.

Quyền được tiếp nhận thông tin nhưng để phổ biến, lan truyền thông tin thì nhất định không còn là quyền riêng của cá nhân. Cũng như thế, mỗi cá nhân đều có quyền đọc, quyền xem, nhưng khi nhấp chuột vào các nút “like”, “share” không chỉ còn là quyền mà nó là “nút đánh giá” trình độ, nhân cách, phẩm chất, năng lực của chính mỗi cá thể đã làm nên điều đó. Tỉnh táo trước các thông tin; biết sàng lọc, lựa chọn thông tin; biết nghi ngờ trước tất cả mọi sự vật, hiện tượng; biết thẩm định và có nhận xét xác đáng, đó cũng chính là cách làm khoa học của sự trải nghiệm.

Cảnh giác với chính mỗi cái nhấp chuột của bản thân, đừng để trở thành đám đông đối chứng bị lợi dụng và “chiếc loa” tuyên truyền của các thế lực thù địch. Đấy cũng là cách bảo vệ chính bản thân trước những gì thu nhận được từ khuôn mặt (face) xã hội trên các trang mạng hiện nay.

Phạm Quế Nghi/Biên Phòng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *