Cảnh giác với những “mỹ từ” giả dối
Thời gian gần đây, khi Đảng, Nhà nước xử lý các trường hợp sai phạm của một số cán bộ, trên các trang mạng xã hội, chúng ta thấy xuất hiện nhiều “lời nói đẹp”, đồng tình với những việc làm trên. Rồi có nhiều trường hợp, khi một số người dân vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, họ lại đưa ra những từ ngữ “có cánh”, thể hiện cái nhìn nhân văn, chia sẻ và bênh vực cho những sai phạm đó. Họ dùng rất nhiều “mỹ từ” và có đến hàng trăm lý do bao biện cho những cá nhân mắc sai phạm.
Trước vấn đề trên, buộc lòng người xem, người nghe, người đọc phải đặt ra câu hỏi. Tại sao với cán bộ có sai phạm, bị pháp luật xử lý nghiêm thì họ lớn tiếng ủng hộ và đồng tình, thậm chí còn kêu gọi mọi người lên án những cán bộ có sai phạm? Còn đối với những người bình thường, không phải là cán bộ, khi có hành vi vi phạm pháp luật, thì lại tỏ thái độ cảm thông, bênh vực một cách rất “nhân văn”. Có phải chăng, ẩn đằng sau những điều đó là cả một “âm mưu” và cái tâm không trong sáng?
Trước hết, phải nói cho rõ. Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền, quản lý, điều hành đất nước bằng pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không chỉ cán bộ mà kể cả người dân cũng đều phải chấp hành và thực hiện theo đúng hiến pháp và pháp luật đã quy định. Với cán bộ, thậm chí có những điều không quy định trong pháp luật, nhưng vẫn phải chấp hành nghiêm. Đó là những quy định của tổ chức “về những việc không được làm”. Không những thế, còn phải nêu cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, tính chiến đấu của người công chức, hưởng lương trong bộ máy Nhà nước. Với người dân lại khác, ngoài chấp hành những quy định trong luật ra thì đều được tự do thực hiện những điều pháp luật không quy định mà không chịu bất cứ yếu tố tác động nào khác.
Cùng một sai phạm, với đội ngũ cán bộ, các đối tượng thù địch ủng hộ việc Đảng, Nhà nước và pháp luật xem xét, xử lý; còn với người dân thì lại lên giọng bênh vực với những “mỹ từ” hết sức đẹp đẽ, nhân văn. Thực tâm của giọng điệu đó không gì khác ngoài ý đồ lợi dụng vào những sai phạm của một số cán bộ để bôi xấu, xuyên tạc, làm giảm uy tín của Đảng, của chế độ và đội ngũ cán bộ trong bộ máy với xã hội. Còn đối với người dân, chúng cổ súy cho những sai phạm mà một số cá nhân lợi dụng dân chủ, đứng ngoài vòng pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, xúi giục tiếp tay cho những sai phạm chống đối chính quyền, chống đối Nhà nước. Với giọng điệu “có vẻ” rất nhân đạo, nào là do trình độ nhận thức, do tâm lý bức xúc, do đời sống khó khăn, do hiểu biết pháp luật… để cố tình thanh minh, giải thích cho những sai phạm.
Gần đây, khi Đảng, Nhà nước và các cơ quan thực thi pháp luật có chủ trương sẽ đưa ra xét xử một số vụ việc chống người thi hành công vụ, lôi kéo người dân chống đối chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Vụ việc đã có kết luận điều tra, thực hiện đầy đủ trình tự tố tụng, đúng pháp luật, song, một số đối tượng cơ hội lợi dụng “diễn đàn mạng” để lớn tiếng bênh vực cho những sai phạm trên bằng những “mỹ từ” đẹp đẽ và hết sức nhân văn. Với giọng điệu như thế, chúng đã lôi kéo được không ít người đồng tình và ủng hộ. Thậm chí còn có một số cá nhân cho rằng, việc thực thi pháp luật với những hành vi sai phạm trên là việc làm mất tự do, thiếu dân chủ, “đàn áp” người dân.
“Pháp luật bất vị thân”, dân cũng như cán bộ, ai sai đều phải xử lý. Sai đến đâu, xử lý đến đó. Tự do và dân chủ không gì khác là sự bình đẳng trước pháp luật và ai làm đúng pháp luật thì được pháp luật bảo vệ. Dẫu có thể được che đậy bằng những ngôn ngữ, “mỹ từ” đẹp đẽ đến đâu thì cũng không thể giấu được “cái tâm không trong sáng”. Và nó vẫn là sự giả dối, ẩn giấu đằng sau sự “nhân văn”, vẻ “nhân đạo” mà những đối tượng thù địch, chống đối Nhà nước vẽ ra, nhưng thực chất là đang đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân.
Phạm Quế Nghi/BP