Cảnh giác với quan điểm “sùng ngoại” trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp lâu dài, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Quá trình tiến hành, việc tiếp thu, chọn lọc tinh hoa thế giới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo là cần thiết. Song, những biểu hiện “sùng ngoại” dẫn đến phủ nhận, chệch hướng trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay là rất nguy hại, cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ.

 “Sùng ngoại” trong giáo dục tuy chưa phải là hiện tượng phổ biến, nhưng đã xuất hiện từ lâu và được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Điển hình nhất là sự tôn sùng, đánh giá thái quá cách thức, phương pháp, sản phẩm, giá trị giáo dục của nước ngoài; hạ thấp, coi thường nền giáo dục, sản phẩm giáo dục trong nước. Theo đó, một số người theo quan điểm này luôn ra sức quảng bá, tô vẽ, khuếch trương nền giáo dục nước ngoài, coi đó là thượng đẳng, là lý tưởng, con đường duy nhất để thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện làm “rạng rỡ tương lai, mở mang tiền đồ”. Nguy hiểm hơn, họ đòi loại bỏ các môn lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chương trình đào tạo; rằng: người dạy, người học phải được tự do về tư tưởng, không bị chi phối hoặc phụ thuộc vào bất cứ hệ tư tưởng nào. Thậm chí, lợi dụng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém trong giáo dục, đào tạo, không ít kẻ đã xuyên tạc, thổi phồng quá mức,… làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào nền giáo dục nước nhà cũng như niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

“Sùng ngoại” trong giáo dục nếu không được ngăn chặn, nó sẽ như những “virus độc hại” lây lan, tác động to lớn đến con người và xã hội, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Trong đó có tác động làm sói mòn bản sắc văn hóa dân tộc, thay đổi những giá trị đạo đức cốt lõi bằng chủ nghĩa thực dụng, đề cao cá nhân, lối sống hưởng thụ, tôn thờ vật chất,… ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhất là của giới trẻ. Sâu xa hơn, “sùng ngoại”, lai căng trong giáo dục sẽ làm thay đổi nhận thức, tư duy, khiến thế hệ trẻ mơ hồ về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giáo dục phải mang tính giai cấp

Theo quan điểm của Đảng, “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”1. Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Như vậy, nền giáo dục Việt Nam phải phục vụ mục đích chính trị cao quý của Đảng: vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi sự cải cách, hội nhập đều phải hướng tới mục tiêu cốt lõi này. Vì thế, việc tôn sùng, hướng tới sao chép một cách cứng nhắc mô hình giáo dục của nước ngoài để thay thế cho nền giáo dục Việt Nam theo quan điểm “sùng ngoại” là hoàn toàn phản khoa học; bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình giáo dục không chỉ đơn thuần là sự đòi hỏi “cải cách”, mà thực chất đó là tư tưởng phản động, đi ngược lại với lợi ích của đất nước.

Thực tế không thể phủ nhận

Thực tiễn những năm qua cho thấy, cùng với những thành tựu to lớn đạt được, sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước ta cũng tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Đó là điều bình thường, nhất là đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, nếu luôn cho rằng, nền giáo dục Việt Nam là lạc hậu, thấp kém, cần phải thay thế bằng các mô hình giáo dục của nước này, nước kia để theo kịp thế giới là biểu hiện rõ nét của sự “sùng ngoại”; là sự nhìn nhận phiến diện, phủ nhận sạch trơn những thành tựu của giáo dục Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, với chính sách “ngu dân” thâm độc mà thực dân Pháp áp dụng trong suốt thời gian đô hộ nước ta, cho đến năm 1945, khi đất nước giành được độc lập, có tới 95% dân số mù chữ. Từ nền tảng gần bằng không đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục và toàn dân, giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần đặc biệt quan trọng để đất nước có được cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày nay.

Với quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, Việt Nam là nước có mức đầu tư cho giáo dục cao trên thế giới, có xu hướng tăng đều trong từng năm2. Đặc biệt, Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương về kết quả, thành tích các cuộc thi Olympic quốc tế dành cho học sinh. Năm 2022, 38 lượt học sinh dự thi Olympic quốc tế đều giành huy chương, đưa Việt Nam năm thứ 2 liên tiếp lọt vào nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có thành tích tốt nhất tại các kỳ thi này; trong đó, xếp thứ 4/104 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Olympic Toán học quốc tế lần thứ 63 (IMO 2022). Sự kiện Việt Nam lần thứ 5 trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021 – 2025 (tháng 11/2021) đã khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và những đóng góp chủ động, tích cực, hiệu quả của nước ta đối với các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Những chuyển biến tích cực của giáo dục Việt Nam còn được thể hiện rõ nét thông qua đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 6 bậc so với năm 2020 (kết quả dựa trên khảo sát toàn cầu về ba thuộc tính cùng trọng số của mỗi quốc gia: có hệ thống giáo dục công phát triển tốt; mọi người có cân nhắc theo học đại học ở đó hay không; quốc gia đó cung cấp nền giáo dục chất lượng hàng đầu hay không). Hiện nay, Việt Nam có 07 cơ sở giáo dục vào nhóm 1.000 trường đại học có ảnh hưởng thế giới (theo bảng xếp hạng The Impact Rankings được Tạp chí Times Higher Education (THE) công bố vào tháng 4/2022). Những số liệu trên chưa thể hiện được toàn diện thành tựu trong giáo dục, cũng chưa đề cập đến những yếu tố chính trị, tinh thần mà giáo dục đem lại cho người dân, song đủ để khẳng định rằng, dù quá trình cải cách giáo dục còn có những hạn chế, bất cập, song những kết quả mà giáo dục Việt Nam đã đạt được là không hề thấp kém và không thể phủ nhận.

Giữ vững mục tiêu trong hội nhập, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục

Hội nhập giáo dục là xu thế tất yếu khách quan và cũng là yêu cầu bắt buộc đối với giáo dục Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước. Việc tiếp thu, kế thừa thành tựu, kinh nghiệm của các nước trên thế giới là cách thức hiệu quả để “đi tắt, đón đầu” nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình hội nhập về giáo dục của nước ta đã được tiến hành mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng3. Tuy nhiên, đây cũng là quá trình mà quan điểm “sùng ngoại” đã và đang tiếp tục len lỏi, tác động, tạo nguy cơ làm chệch hướng mục tiêu của nền giáo dục. Vì vậy, cần thực hiện nhất quán chủ trương: “Chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại”4. Quá trình kế thừa, tiếp thu phải chắt lọc những giá trị phù hợp, kiên quyết loại bỏ yếu tố “ngoại lai”, ảnh hưởng tiêu cực đến nền giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế phải bảo đảm phát triển bền vững, phát huy tối đa nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ và định huớng xã hội chủ nghĩa. Mở rộng hợp tác đa phương phải gắn với tăng cường công tác quản lý nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân về giáo dục và đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài cho giáo dục, ưu tiên lĩnh vực đào tạo đại học, sau đại học và giáo dục nghề nghiệp; có cơ chế, chính sách thu hút và thẩm định chặt chẽ giáo viên, nhà khoa học người nước ngoài tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học.

Cùng với đó, tập trung nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục Việt Nam. Đây là vấn đề cốt lõi để đẩy lùi quan điểm “sùng ngoại”, bài nội trong giáo dục. Trong đó, cần coi trọng cả ba mặt giáo dục: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc, của Đảng. Ngăn chặn kịp thời xu hướng mờ nhạt tư tưởng chính trị, xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa, các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động giáo dục, nhất là quan điểm “sùng ngoại”. Quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục nhân cách, làm cho thế hệ trẻ có đủ khả năng và bản lĩnh thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của xã hội. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có chất lượng tốt.

Cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra khó khăn nhất, âm thầm nhất và quyết liệt nhất là trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, trong đó giáo dục là một trận địa quan trọng. Cảnh giác, đấu tranh, loại bỏ quan điểm “sùng ngoại” trong giáo dục sẽ giữ vững định hướng, mục tiêu của giáo dục, trực tiếp góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Thượng tá, TS. VŨ THANH TÙNG/TCQPTD

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
__________________

1 – Khoản 1, Điều 3, Chương I, Luật Giáo dục năm 2019.

2 – Riêng giai đoạn 2011 – 2020, tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đạt trung bình khoảng 17% – 18%, có năm gần 19%. So với Mỹ (13%), Indonesia (17,5%), Singgapore (19,9%). Mức chi cho giáo dục của nước ta hằng năm tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia 5%, cao hơn các nước khác trong khối ASEAN.

3 – Riêng giai đoạn 2016 – 2020, nước ta đã có hơn 70 thỏa thuận quốc tế và 23 điều ước quốc tế được ký kết, góp phần tạo hành lang pháp lý triển khai nhiều chương trình hợp tác, như: trao đổi học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên; hợp tác giáo dục, nghiên cứu, đào tạo, trao đổi chuyên gia,v.v. Ngành giáo dục và các cơ sở đại học đã phê duyệt, ký kết trên 530 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, với khoảng 85.000 người đã theo học, trong đó hơn 45.000 người đã hoàn thành chương trình và được cấp bằng.

4 – Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.