Nhận diện, đấu tranh với hoạt động chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp
Càng gần đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (ngày 23/5/2021), các thế lực thù địch càng ráo riết tiến hành các hoạt động phá hoại, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng lái Cuộc bầu cử theo mưu đồ của chúng. Vì thế, nhận diện, đấu tranh với các hoạt động chống phá Cuộc bầu cử là rất cấp thiết.
1. Các thế lực thù địch coi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 là cơ hội tốt để chống phá Đảng, cách mạng Việt Nam, nên cần nhận diện rõ hoạt động của họ, để có biện pháp đấu tranh phù hợp.
Một là, họ ra sức phủ nhận, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử; cho rằng: “Đảng Cộng sản lãnh đạo bầu cử là không dân chủ”; “cần xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử”. Đồng thời, rêu rao bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức; nhân sự trong Quốc hội đã được “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia” xong xuôi. Qua đó, hòng phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và Quốc hội nhằm đưa ra các kiến nghị vô căn cứ như: Đảng Cộng sản không được tham gia công tác bầu cử, không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử, phải “tự rút lui” và từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Việt Nam phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng để thúc đẩy dân chủ, v.v. Mục đích của họ là yêu cầu Đảng ta không được lãnh đạo công tác bầu cử; không tham gia công tác bầu cử. Từ đó, từng bước hướng lái cơ quan lập pháp nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Hai là, lợi dụng quyền tự ứng cử của công dân để kêu gọi ủng hộ cho các đối tượng tự xưng là “nhà dân chủ” tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Để đạt được mục đích, họ sử dụng nhiều hình thức, thủ đoạn vận động, kêu gọi người dân, các đối tượng bất đồng chính kiến ký tên ảo, tung hô, ủng hộ các “nhà dân chủ”, nhằm đánh bóng tên tuổi các đối tượng, gây rối, phá hoại Cuộc bầu cử. Cũng như các cuộc bầu cử nhiệm kỳ trước, các thế lực thù địch sử dụng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau: Qua các cuộc họp tổ dân, khu phố, qua hoạt động của các hội, nhóm tự phát; rải tờ rơi; tán phát tài liệu. Họ đăng tải nhiều video, bài viết, hình ảnh trên internet và mạng xã hội để ủng hộ ứng cử viên là các “nhà dân chủ”. Khi các đối tượng này bị loại qua vòng hiệp thương, họ xuyên tạc rằng, chỉ có những người “theo phe” Đảng mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; Đảng Cộng sản Việt Nam cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử đại biểu Quốc hội, v.v.
Thứ ba, ra sức tuyên truyền, xuyên tạc về ý nghĩa, vai trò và vị trí, tầm quan trọng của công tác bầu cử. Họ triệt để tuyên truyền các thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội, gây nhiễu loạn thông tin, khiến cho nhiều người hiểu sai các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam về bầu cử; đưa ra những bình luận, nhận xét, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện, một chiều, quy chụp nhằm hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử. Họ còn thu thập tư liệu, hình ảnh về những thiếu sót, sơ hở của một vài tổ bầu cử ở các kỳ trước đây để tuyên truyền, xuyên tạc; kích động nhân dân khiếu kiện, gây rối, biểu tình phản đối bầu cử, không tham gia bỏ phiếu; kích động, lôi kéo các phần tử chống đối tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật, gây sức ép đòi phải cho quốc tế giám sát bầu cử; đòi bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp phải diễn ra theo kiểu dân chủ phương Tây. Qua đó, hòng làm giảm niềm tin của cử tri, nhân dân và tiến tới phá hoại cuộc bầu cử ở nước ta.
2. Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hoạt động chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và Nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai đồng bộ các mặt công tác từ nắm tình hình, chủ động phát hiện, phòng ngừa đến triển khai công tác đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá một cách nghiêm túc, thường xuyên, sâu rộng với quyết tâm chính trị lớn nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân (cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài) một cách thực chất, thiết thực và hiệu quả nhất.
Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là đúng quy định của pháp luật, được quy định trong Hiến pháp năm 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Khoản 1, Điều 4). Đảng lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội nhưng không bao biện, làm thay. Sự lãnh đạo của Đảng luôn là điều kiện quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; là cơ sở để nước ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị nhằm tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn, chuẩn bị và tổ chức thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Sự lãnh đạo của Đảng là cơ sở để nhân dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhằm đảm bảo cho Cuộc bầu cử diễn ra thành công, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử, như: Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Kế hoạch số 4711/KH-BTTTT về công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 về Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri. Chỉ thị số 45-CT/TW đã nêu rõ: “Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước” và “Bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định: Công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện để công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử và tự ứng cử của công dân. Người tự ứng cử hay người được giới thiệu ứng cử đều chung thủ tục về hồ sơ; việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử hay người được giới thiệu ứng cử đều diễn ra theo đúng quy trình, quy định; đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng trình tự quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác rà soát, lựa chọn ứng viên tiêu biểu được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, dân chủ, đúng, đủ cơ cấu, số lượng đại biểu, đặc biệt là tỷ lệ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng và tái cử. Quá trình hiệp thương được thực hiện một cách công khai, minh bạch với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Để đảm bảo dân chủ, công bằng, một trong những điểm mới của lần bầu cử này là các ứng cử viên của Hội đồng nhân dân được quyền tiếp xúc cử tri 5 cuộc, ứng viên đại biểu Quốc hội ít nhất 10 cuộc. Hiện nay, cả nước đang tiến hành tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú để đánh giá uy tín đại biểu. Theo quy định, nếu các ứng viên không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Kết quả của hội nghị cử tri là một trong những căn cứ quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương và đưa vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Đây là quy trình rất chặt chẽ nhằm sàng lọc, loại bỏ những người ứng cử, tự ứng cử không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân từ trước khi bầu cử.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, làm cho cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là đội ngũ thanh niên nhận thức đúng và đầy đủ về tính tất yếu phải có sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội nói chung, công tác bầu cử nói riêng; về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bầu cử; các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với Cuộc bầu cử; động viên cử tri tự giác, tích cực tham gia bầu cử. Đặc biệt, cần vận động, tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, khả năng nhận diện và “miễn dịch” đối với thông tin xấu độc, xuyên tạc về Cuộc bầu cử. Các cơ quan chức năng cần hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân tiếp cận được những thông tin chính thống, tin cậy về Cuộc bầu cử; đồng thời, chủ động phát hiện, đấu tranh phê phán, phản bác thuyết phục những thông tin, bài viết có nội dung xuyên tạc Cuộc bầu cử ở nước ta.
Ba là, thực hiện đúng các chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về bầu cử. Đặc biệt là quy định về việc giới thiệu, lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; những người tham gia ứng cử phải có đầy đủ tiêu chuẩn, tiêu chí theo pháp luật mới được đưa vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Quá trình hiệp thương được thực hiện công khai, minh bạch, với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Đây là quy trình rất chặt chẽ nhằm sàng lọc và loại bỏ những người ứng cử và tự ứng cử không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, chứ không hề có chuyện: chỉ những người “theo phe” Đảng mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, nhân sự trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”, “xếp ghế”,… như họ đã rêu rao, xuyên tạc. Cùng với đó, nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động chống phá bầu cử của các thế lực thù địch để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, internet và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này; chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các trang mạng độc hại, các blog “đen” thường đăng tải các tin, bài, clip có nội dung xấu, độc hại, trái với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Cuộc bầu cử này.
Thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, sẽ góp phần đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động chống phá bầu cử của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn, xã hội, đảm bảo cho Cuộc bầu cử thành công. Đó là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của cả hệ thống chính trị hiện nay.
NGUYỄN ĐỨC QUỲNH/TCQPTD