Cảnh giác với “tín dụng đen” trên không gian mạng

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hoạt động cho vay lãi nặng (tín dụng đen), nhưng hoạt động này vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, hoạt động “tín dụng đen” đã chuyển từ phương thức truyền thống (núp bóng các cửa hiệu cầm đồ, dịch vụ vận tải, kinh doanh hàng hóa, công ty cho thuê, tư vấn, hỗ trợ tài chính…và phải giao dịch trực tiếp thông qua các “đầu nậu”) sang hình thức trực tuyến, lợi dụng môi trường Internet, mạng xã hội để hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng này là:

Lập các wesite có gắn tiện ích hỗ trợ người có nhu cầu vay tiền được dễ dàng, nhanh chóng, bí mật như có đường dây nóng (hotline) hoặc trao đổi trực tuyến (chat online). Trên các trang web các đối tượng dùng thủ đoạn quảng cáo: cho vay tiền nhanh trong ngày, không cần thế chấp tài sản, không cần chứng minh thu nhập, không lưu trữ giấy tờ, hồ sơ gốc; không ảnh hưởng đến công việc và gia đình; không chờ đợi quá lâu để nhận tiền. Chỉ cần một click, người vay tiền đã gặp ngay nhân viên để tư vấn, thẩm định, duyệt vay tiền ngay trong ngày.

 Sử dụng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Zalo…) để mời chào, dụ dỗ người có nhu cầu vay tiền với những lời “có cánh”: lãi suất thấp, thủ tục nhanh,  không cần thế chấp…Đồng thời, các đối tượng còn dẫn dụ “khách hàng” bằng cách làm các video, clip để hướng dẫn quy trình, cách thức vay tiền nhanh trên mạng xã hội; cho người đóng giả là khách hàng đã từng trải nghiệm vay nhanh trên mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo khách hàng vay tiền với lãi suất “cắt cổ”.

 Các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao để tổ chức hoạt động “tín dụng đen” qua mạng Internet dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao. Bằng cách lập ra các website cho vay trực tuyến để người dùng chỉ cần truy cập hoặc tải phần mềm ứng dụng cho vay về điện thoại, thực hiện theo hướng dẫn của bọn chúng là có thể vay tiền một cách rất dễ dàng. Nhưng đằng sau những nội dung quảng cáo không minh bạch về lãi suất, trách nhiệm người vay là cả một thủ đoạn tinh vi để “móc túi” người vay, bằng cách biến tướng lãi suất bằng các loại phí rất cao mà người vay phải chi trả. Đặc biệt, một số đối tượng còn ẩn danh, núp bóng các công ty tài chính trên không gian mạng để huy động tài chính đa cấp, khiến cho cả người cho vay và người đi vay đều trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp.

Ngoài ra, các đối tượng còn  sử dụng thuê bao di động không đăng ký chính chủ (sim rác) để đăng, gởi tin nhắn quảng cáo cho vay tiền với những lời dụ dỗ: vay không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân ngay từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. Đối tượng mà bọn chúng nhắm đến là học sinh, sinh viên, công nhân đang cần tiền giải quyết nhanh nhu cầu cá nhân trong thời gian ngắn. Nhưng đằng sau sự “tiện lợi” trá hình đó là người vay phải chi trả lãi suất theo ngày rất cao.

Đặc biệt nguy hiểm, nếu người vay không trả lãi suất “cắt cổ” do bọn chúng áp đặt đúng thời hạn, thì bọn chúng sẽ tính “lãi chồng lãi”, có người vay 10 triệu đồng trong vòng ba tháng bọn chúng đã tính cả lãi và gốc lên đến hơn 40 triệu đồng. Táo tợn hơn, nếu người vay chậm trả hoặc mất khả năng chi trả lãi suất cho bọn chúng thì bọn chúng dùng thủ đoạn gọi điện thoại khủng bố, quấy rối cả người vay và thân nhân, bạn bè của họ. Thậm chí bọn chúng còn tìm kiếm thông tin, hình ảnh cá nhân của người vay và thân nhân, gia đình, bạn bè cuả người vay để bêu riếu, hăm dọa trên mạng xã hội.

“Tín dụng đen” là hoạt động vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro không chỉ về tài chính mà còn tiềm ẩn các hành vi lừa đảo. Người dân cần tỉnh táo, cảnh giác với những lời dụ dỗ, quảng cáo “có cánh” của các hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng, kẻo “tiền mất tật mang”.

VĂN MINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *