ĐOÀN KẾT LÀ SỨC MẠNH VÔ ĐỊCH ĐẢNG

Đảng ta luôn khẳng định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đường lối chiến lược, cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động lại cho rằng “Đảng Cộng sản đang phân biệt, đối xử, kỳ thị các giai tầng trong xã hội, không quan tâm để có chính sách phát triển các dân tộc thiểu số”. Thực chất, đây là chiêu trò đang cố tình xuyên tạc chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất, là sức mạnh vô địch, là then chốt của thành công. Đoàn kết càng rộng rãi, chặt chẽ thì việc gì khó đến mấy làm cũng xong, thắng lợi càng lớn, càng vẻ vang. Người đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Theo Người, đại đoàn kết phải dựa trên nguyên tắc tin dân, dựa vào dân. Vì, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Đoàn kết được Nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn. Đoàn kết là vấn đề sống còn, không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà.

Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì lợi ích trực tiếp của Nhân dân các dân tộc thiểu số, đồng thời vì lợi ích chung của cả nước, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ là một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm chính trị cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Vì vậy, phải tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đại đoàn kết dân tộc, công tác dân vận và công tác mặt trận. Nhiều dự án về phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của Nhà nước được triển khai nhằm chăm lo tốt hơn đời sống cho Nhân dân. Quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội được thể chế hóa, đã từng bước được phát huy. Sự đổi mới hệ thống chính trị, việc tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội, nhất là việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc động viên Nhân dân và cán bộ hăng hái tham gia đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng. Đây là những nhân tố rất quan trọng, là động lực chủ yếu bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Tóm lại, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đòi hỏi không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân bên cạnh việc nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch, trái với tư tưởng chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết dân tộc, tạo động lực to lớn để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

(TIỀU PHU)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.