Cũng là công việc của toàn dân

Trong quá trình sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ bền chặt, gắn bó hữu cơ giữa Đảng với nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải vì Đảng, vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui”. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Người nêu: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng”. Người còn căn dặn: “… điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”. Trong bài viết “Phải xem trọng ý kiến của quần chúng” đăng trên Báo Nhân dân ngày 21 – 8 – 1956, Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta phải nhớ rằng cán bộ đoàn thể cũng như chính quyền, từ trên đến dưới, đều là đầy tớ của nhân dân, phải xem trọng ý kiến của nhân dân”.

Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở nhân dân: “Chế độ này là của ta, phải bảo vệ chế độ của ta. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của ta, phải bảo vệ Nhà nước của ta. Ai xâm phạm đến Nhà nước của ta, đến chế độ ta, ta phải chống lại họ, bất cứ bằng lời nói hay việc làm”.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh: Khi nhân dân thấy Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến họ, thì mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với Đảng và Chính phủ được củng cố tốt hơn. Và muốn xây dựng tốt mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với nhân dân thì Đảng phải được xây dựng vững mạnh toàn diện và trong đó phải có sự tham gia của nhân dân. Tháng 9 – 1953, trong Thường thức chính trị đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng. Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân ta”.

Người cũng nêu cụ thể để bảo đảm nhân dân thực hiện tốt việc tham gia xây dựng Đảng thì Đảng phải tiến hành theo nguyên tắc: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề để cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Người thường xuyên chỉ rõ trong lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng, tham gia xây dựng Đảng, Đảng phải có phương pháp đúng đắn, phù hợp để có được kết quả tốt đẹp nhất. Người chỉ rõ: “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân”.

Thực tế hơn 93 năm qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, nhân dân ta đã tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, vững bước đi theo Đảng, tham gia xây dựng Đảng một cách toàn diện, hiệu quả. Cụ thể, nhân dân tham gia đóng góp xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tham gia thực hiện Nghị quyết của Đảng; tham gia đóng góp, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và thực hiện  nghĩa vụ, trách nhiệm công dân với Đảng, với đất nước bằng cách hoàn thành tốt những nhiệm vụ, những công việc cụ thể của mình.

Tình hình cách mạng hiện nay cũng như những năm tới, đòi hỏi Đảng và nhân dân ta phải tiếp tục tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh to lớn của ý Đảng, lòng dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phương châm này cần được triển khai thực hiện thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, trong mọi công việc, ở mọi cấp, mọi ngành.

Trước hết, Đảng phải cùng với Nhà nước, hệ thống chính trị, các đoàn thể… cùng nỗ lực phấn đấu củng cố, tăng cường, phát huy vai trò quan trọng của nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng. Cụ thể, thực hiện tốt giải pháp tích cực mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra: Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân. Việc đánh giá chất lượng của tổ chức cơ sở đảng cũng như cán bộ, đảng viên phải lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng.

Các tổ chức đảng cần động viên, cổ vũ nhân dân hăng hái tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng, giám sát việc nêu gương, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên (nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý), ở nơi làm việc, nơi cư trú; đồng thời, tích cực tham gia, đóng góp thiết thực vào xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch vững mạnh cũng như công tác phát triển Đảng.

Hay như trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng ở cơ sở, ở cấp tỉnh đòi hỏi các tổ chức đảng phải huy động được sự tham gia tích cực, hiệu quả của đông đảo nhân dân. Ngày 19 – 6 – 2023, tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo: “tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân trực tiếp phản ánh, tố giác tham nhũng, tiêu cực, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần lập đường dây nóng hoặc phương thức phù hợp để tiếp nhận những thông tin về công tác chống tham nhũng, tiêu cực của nhân dân”.

Một nhiệm vụ cũng hết sức cần thiết, quan trọng đã và đang đặt ra với Đảng và nhân dân ta là: các thế lực thù địch, thế lực xấu đã và đang tìm mọi cách bịa đặt, vu khống, xuyên tạc nhằm phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa Đảng với nhân dân. Chúng cho rằng giữa nhân dân với Đảng đang mất dần sự đoàn kết thống nhất, Đảng chỉ tìm cách áp bức, bóc lột nhân dân, còn nhân dânthì không có quyền phản biện, giám sát, đấu tranh chống tham nhũng lãnh phí, tiêu cực… và mất niềm tin vào Đảng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nêu trên.

Làm tốt những việc trên, chúng ta đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”.

Theo https://ivanlevanlan.wordpress.com/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *