Đằng sau luận điệu xuyên tạc “Đảng làm thay Nhà nước”
Thành tựu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại bám vào đó để “ký sinh” tư tưởng phản động, thực hiện các chiến dịch truyền thông xuyên tạc, cho rằng ở Việt Nam, Đảng đang làm thay chức năng của Nhà nước…
Thấy gì từ những luận điệu xuyên tạc?
Bám sát những diễn biến của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch cố tình lật ngược bản chất, đánh tráo khái niệm, phủ bóng đen tối lên đời sống chính trị-xã hội của đất nước ta.
“Đổi trắng thay đen” là một trong những thủ đoạn chủ yếu, xuyên suốt của họ trong quá trình chống phá cách mạng Việt Nam bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Họ thực hiện ý đồ chống phá với âm mưu ngày càng thâm độc hơn; thủ đoạn, giải pháp ngày càng toàn diện, quyết liệt hơn; hình thức, lực lượng ngày càng tinh vi, mở rộng hơn.
Tuy nhiên, dù được che đậy dưới nhiều chiêu bài, được ngụy trang dưới nhiều hình thức và được tiến hành với tần suất, thời lượng ngày càng lớn trên không gian mạng thì “con cáo” cũng không thể che giấu được “cái đuôi” phản nghịch, phản động. Càng đẩy mạnh những cái gọi là “phân tích”, “nhận định”, “đánh giá”, “nhận diện”, “dự báo”… về “môi trường chính trị ở Việt Nam”, nhiều đối tượng cực đoan, bất mãn, phản động lưu vong ở nước ngoài càng lộ rõ thái độ hằn học, bản chất xảo trá, ý đồ phản quốc, hại dân…
Sau một thời gian liên tục tung ra những luận điệu xuyên tạc, cho rằng nội bộ Đảng đang có sự “phân hóa sâu sắc”, cuộc “đấu đá”, “tranh giành” quyền lực giữa các “phe cánh” đang diễn biến “khốc liệt”; thời gian gần đây, họ thực hiện chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc về cơ chế lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Họ rêu rao xuyên tạc, chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam đang “lấn át”, “làm thay” vai trò, chức năng của Nhà nước. Theo dõi những diễn biến của thủ đoạn chống phá đất nước do các đối tượng có tư tưởng thù địch thực hiện trên không gian mạng thời gian gần đây, chúng ta thấy, họ bám vào những sự kiện thời sự trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước để “ký sinh” tư tưởng thù địch.
Sau khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện các thủ tục miễn nhiệm đối với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng, làn sóng tuyên truyền xuyên tạc lại rộ lên.
Truyền thông có tư tưởng thù địch đã tung lên không gian mạng nhiều sản phẩm dưới các hình thức như bài viết, video, phỏng vấn trực tuyến, tọa đàm… với các nội dung xuyên tạc, cho rằng: Môi trường chính trị ở Việt Nam đang có biến động lớn bởi sự “độc tài”, “độc đoán” của chế độ “Đảng trị”… Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và kiều bào trên thế giới trong đêm Giao thừa Tết Quý Mão 2023, nhiều đối tượng có tư tưởng thù địch nhân cơ hội này đã đẩy chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, chống phá lên mức độ, tần suất cao hơn. Họ cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đang “lấn át”, “lấn quyền”, “làm thay”, “vô hiệu hóa” vai trò, chức năng của Nhà nước…
Cách để họ gây hoang mang, dao động trong tâm lý xã hội là kiểu lập ngôn “hóng hớt”, “cắt ngọn” thông tin, lấy hiện tượng để suy diễn, xuyên tạc bản chất. Họ cố tình bẻ cong luận điểm, ngụy tạo luận cứ, luận chứng nhằm lèo lái công chúng hiểu sai lệch bản chất vấn đề. Họ cổ xúy hận thù, kích động gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, phá hoại công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vốn đang đi đúng hướng và rất được lòng dân của Đảng, Nhà nước ta.
Trước những sản phẩm truyền thông xấu độc nêu trên, đại đa số cán bộ, đảng viên, công dân có nhận thức đúng đắn, lập trường chính trị tư tưởng vững vàng đều hiểu rõ đây là âm mưu, thủ đoạn chống phá đất nước của các đối tượng cơ hội, thù địch.
Chúng ta đều biết, lời chúc Tết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong đêm Giao thừa Tết Nguyên đán hằng năm là một nghi thức văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiến pháp, pháp luật không quy định vấn đề này. Chính vì vậy, việc Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết nhân dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc là căn cứ vào tình hình thực tế và phân công trong lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Bám vào một hoạt động thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để suy diễn, xuyên tạc, chỉ trích “Đảng làm thay chức năng của Nhà nước” là kiểu lập luận quy chụp, võ đoán, vô căn cứ với ý đồ xấu. Cùng với đó, việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội thực hiện các thủ tục miễn nhiệm đối với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, đã được thực hiện theo đúng trình tự pháp luật và Điều lệ Đảng trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng cá nhân. Bám vào những sự kiện này để xuyên tạc, cho rằng Đảng “độc tài”, “độc đoán”, “chuyên quyền”, “lấn át”, “làm thay”… Nhà nước là kiểu lập ngôn “đổi trắng thay đen” nhằm lật ngược bản chất vấn đề.
Cán bộ, đảng viên và mỗi công dân cần thống nhất cao về nhận thức để thấy rõ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Đằng sau những luận điệu xuyên tạc “Đảng làm thay chức năng của Nhà nước” là chiến dịch hạ bệ cá nhân lãnh đạo, bóp méo, bôi đen vai trò lãnh đạo, bản chất tốt đẹp của Đảng ta. Mục đích của họ là phá hoại cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, gây rối ren đời sống xã hội, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng…
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ Đảng lãnh đạo đất nước đổi mới đã chứng minh, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là phương thức vận hành tổng thể của hệ thống chính trị ở nước ta. Cơ chế này là sự vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân trong lịch sử, xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới.
Cơ chế này được Đảng ta đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (năm 1982) và xác định rõ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) của Đảng. Thực tiễn vận hành cơ chế cho thấy, có những giai đoạn, thời điểm lịch sử và tổ chức trong hệ thống chính trị, việc nhận thức, thực hiện cơ chế vẫn còn những hạn chế nhất định. Và đây chính là một trong những kẽ hở mà các thế lực thù địch lợi dụng khoét sâu, chống phá.
Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII (Nghị quyết số 27-NQ/TW) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đã chỉ rõ: Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được luận giải đầy đủ, thuyết phục; tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quyền lực Nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân chưa nghiêm…
Nhận thức đầy đủ những bất cập, hạn chế trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để đổi mới, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII xác định: Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa, hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân; phát huy đầy đủ quyền làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân. Hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… tăng cường và bảo đảm Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình…
Đảng ta nêu rõ quan điểm: Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ… Thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân… Tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện…
Chúng ta thấy rõ, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đã thể hiện tư duy mới, quan điểm mới của Đảng cả về lý luận và thực tiễn trên cơ sở kế thừa thành tựu, khắc phục hạn chế để tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Những giải pháp, việc làm kịp thời, nhân văn, kiên trì, kiên quyết, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai… trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý cán bộ vi phạm của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian gần đây là sự minh chứng rõ ràng đối với hiệu lực, hiệu quả “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Công tác đấu tranh được thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn.
Những kẻ tung tin xuyên tạc cho rằng “Đảng làm thay Nhà nước” đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn, chủ ý “cắt ngọn” thông tin để lèo lái dư luận theo ý đồ xấu. Cán bộ, đảng viên và công chúng yêu nước cần thống nhất cao về nhận thức, tỉnh táo nhận diện, đấu tranh, vạch rõ âm mưu đen tối của các đối tượng thù địch. Đó cũng là cách để chúng ta góp phần thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, tiếp tục duy trì, phát huy thành quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên tinh thần: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”…
PHAN TÙNG SƠN/QĐND