TỈNH TÁO TRƯỚC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ TÌNH TRẠNG THIẾU ĐIỆN HIỆN NAY

Thời gian gần đây, do thời tiết nắng nóng xảy ra tại nhiều địa phương làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện trong xã hội, đã xảy ra tình trạng thiếu điện để cung ứng cho người dân của các công ty điện lực. Việc thiếu điện dẫn đến các công ty cung cấp điện phải tìm mọi cách để điều tiết như cắt điện cục bộ ở từng khu vực trong thời gian ngắn. Cắt điện đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp, tạo ra dư luận bức xúc, tiêu cực về ngành điện trên báo chí và mạng xã hội. Lợi dụng vấn đề này, các báo, đài phản động như “Việt Tân”, Chân trời mới Media, VOA, BBC… liên tiếp có những bài viết, đưa tin cố tình nêu bật những khó khăn của ngành điện để xuyên tạc, bóp méo sự thật, cho rằng ngành điện được Nhà nước cho phép độc quyền, tăng giá điện bất hợp lý, vì sao điện gió, điện mặt trời dư thừa nhưng lại phải nhập khẩu điện của Lào, Trung Quốc? Mức độ cao hơn chúng cho rằng có tham những, tiêu cực trong Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), công tác quản lý, điều hành yếu kém của Bộ Công Thương và của Chính Phủ… mục đích của chúng là để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Vậy những luận điệu đó có thật sự công tâm, khách quan hay chưa? Chúng ta hãy bình tĩnh, cùng đánh giá dựa trên các căn cứ sau:

Thứ nhất về vấn đề “độc quyền”: Chúng ta cần biết rằng, ngành điện có đặc thù liên quan đến an ninh năng lượng và an toàn hệ thống lưới điện quốc gia nên không thể giống như nhiều ngành nghề khác có thể hoàn toàn tư nhân hóa. EVN là một doanh nghiệp và đang phải gánh rất nhiều trọng trách, ngoài nhiệm vụ chính là bảo đảm cung ứng điện cho đất nước, EVN còn phải vận hành an toàn hệ thống lưới điện, thực hiện chính sách công ích của Nhà nước đối với vùng xâu, vùng xa, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo… Thực tế cho thấy nhiều nước trên thế giới như Đức, Mêxico, Na Uy, Trung Quốc hiện cũng đang “độc quyền ngành điện”. Các nước Đông Nam Á có giá điện rẻ nhất như Malaysia, Lào, Myanmar cũng do công ty nhà nước độc quyền hay cổ phần chiếm đa số.

Thứ hai về tăng giá điện: điện là mặt hàng đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội nên theo quy định của luật giá, giá bán lẻ điện do Nhà nước điều tiết. Giữa hai lần điều chỉnh vào ngày 20/3/2019, đến lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 4/5/2023 là hơn 4 năm, EVN mới được Nhà nước chấp thuận cho điều chỉnh giá trong khi giá nhiên liệu như than, dầu khí tăng đột biến. Đối với nền kinh tế thị trường thì việc điều tiết tăng giá các mặt hàng là quy luật hết sức bình thường. Thực tế nếu không điều chỉnh giá điện thì hoạt động của EVN tiếp tục lỗ, đây là vấn đề khách quan, chúng ta cần nhìn nhận một cách công tâm.

Thứ ba là vì sao điện gió, điện mặt trời dư thừa nhưng lại phải nhập khẩu điện của Lào, Trung Quốc: năng lượng điện gió, điện mặt trời thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc. Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật, để đảm bảo vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500KV Bắc –Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc và chúng ta phải nhập khẩu điện của Lào, Trung Quốc là để mở rộng hợp tác quốc tế, cơ bản dựa trên mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia láng giềng, đây cũng là một phần trong cam kết kết nối mạng lưới điện các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Thừa nhận rằng ngành điện nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến việc để thiếu điện thời gian qua… nhưng chúng ta cũng cần ghi nhận EVN đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc bảo đảm cung ứng điện trên địa bàn cả nước, cũng như tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý, vận hành để phù hợp với tình hình mới. Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo để làm sao cân bằng trong việc vừa mở cửa cho tư nhân đầu tư để phát triển ngành điện lực nhưng vẫn phải bảo đảm sự quản lý của Nhà nước liên quan đến an toàn hệ thống và an ninh năng lượng quốc gia. Cụ thể ngày 28/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 165/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, trong đó có nội dung kiên quyết loại bỏ bao cấp, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển năng lượng.

Những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc liên quan đến ngành điện là một phần trong mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với nước ta. Chúng lợi dụng và hướng lái sự quan tâm của dư luận theo hướng tiêu cực để tạo tâm lý hoài nghi đối với các quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra. Từ đó, gây hoang mang dư luận, kích động người dân phản đối phục vụ ý đồ phá hoại chính sách, gây mất ổn định kinh tế – xã hội, an ninh chính trị của đất nước. Mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, chủ động tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước và mạnh dạn đấu tranh, đẩy lùi các thông tin xấu, độc hại liên quan đến ngành điện.

Để khắc phục tình trạng thiếu điện trong giai đoạn hiện nay thì tiết kiệm trong việc sử dụng điện của mỗi người dân là việc làm đặc biệt có ý nghĩa và bằng các cách cụ thể như sau: tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc trong giờ cao điểm, thay thế các thiết bị điện tiêu tốn nhiều năng lượng bằng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, khi hết giờ làm việc, khi đi ra ngoài hãy tắt toàn bộ các thiết bị điện, không để các thiết bị điện ở trạng thái chờ vì điều đó vẫn làm tiêu hao năng lượng điện, khi không có nhu cầu sử dụng nên tắt nguồn các thiết bị điện.

SƠN THÀNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.