ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC KHẲNG ĐỊNH SỨC MẠNH CỦA KỶ LUẬT ĐẢNG

Công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hiện nay của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã đạt kết quả bước đầu, được Nhân dân trong nước đồng tình ủng hộ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, bài bản, đồng bộ, có hiệu quả rõ rệt. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh thành phố (được thành lập từ năm 2022), Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy các cấp và các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý, kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, trong đó có việc khởi tố, bắt tạm giam, xét xử một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt ở một số tỉnh, thành, bộ, ngành. Kết quả đó đã tác động tích cực đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tăng cường niềm tin, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, thời gian gần đây các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã ra sức chống phá, đặc biệt là thông qua những vụ án mà đối tượng là những cán bộ, đảng viên giữ vị trí cao trong bộ máy Nhà nước để xuyên tạc, tung ra các luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước. Chúng đưa nhiều thông tin xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch nhân danh chống tham nhũng đã đưa ra các luận điệu xuyên tạc rất xảo trá rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái”, từ đó chúng đưa ra nhận định chủ quan, võ đoán: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng thành công”, thậm chí “khuyên nhủ” Đảng ta “chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực”.

Có thể thấy, những luận điệu xuyên tạc, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn nêu trên của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là nhằm lan truyền, gieo rắc sự hoang mang, gây mất niềm tin vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hạ uy tín để đi đến phủ định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, từ đó tác động xấu đến cán bộ, đảng viên, khiến đất nước rơi vào khủng hoảng, mưu đồ “diễn biến hòa bình” của chúng thành công.

Cần khẳng định rằng đây là âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá quen thuộc, không ngừng nghỉ của các thế lực thù địch, bất chấp thủ đoạn, nhào nặn trắng đen, pha trộn thật giả hòng gây hoài nghi, chia rẽ dân với Đảng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh kiên quyết với tệ tham nhũng bằng việc đề ra chủ trương, phương thức rất đúng và trúng để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó tập trung đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác này được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, “được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận”.

Đó là điều không thể phủ nhận. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “Chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh””. Hơn nữa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là cách để mỗi cán bộ, đảng viên thêm vững tin vào Đảng, vào chế độ – một Đảng sinh ra không phải để làm quan phát tài, một chế độ luôn lấy sự phồn vinh của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đó cũng là cách khẳng định rõ mục tiêu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì sự ổn định, phát triển của đất nước, vì tương lai của dân tộc, là nhằm chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định sức mạnh của kỷ luật đảng, không có trường hợp ngoại lệ đối với bất kỳ ai nếu lòng dạ không trong sáng; nói và làm trái với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; vi phạm những điều đảng viên không được làm; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không tham lam, không hám danh lợi, chức tước, bổng lộc. Từ đó, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên không ngừng trong toàn xã hội, ở mọi lĩnh vực, ngành nghề; động viên, khích lệ, cổ vũ Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Do đó, phải tiến hành đồng bộ, theo phương châm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XIII: “Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng”. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

(NVS)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.