Để không sập bẫy đa cấp
Sau rất nhiều vụ đường dây kinh doanh đa cấp trái phép bị phát giác với số tiền lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, khiến bao gia đình tán gia bại sản, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Thực tế đó tưởng rằng người dân sẽ tỉnh táo, cảnh giác hơn trước những lời hứa hão huyền “đầu tư ít, sinh lợi cao”, “ngồi chơi cũng có tiền”… thế nhưng, “con bạch tuộc” mang tên đa cấp vẫn “vươn vòi” dài hơn, với chiêu trò ngày càng tinh vi.
Và rồi, cứ sau mỗi vụ việc bị cơ quan chức năng bóc gỡ, chúng ta lại giật mình trước những con số thống kê: Số người tham gia, số tiền lừa đảo, chiếm đoạt của vụ sau lớn hơn vụ trước. Chính lòng tham, thói lười lao động lại ham hưởng thụ của nhiều người trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ kinh doanh đa cấp trái phép gieo mầm, thu lợi bất chính.
Hình thức kinh doanh, mời chào, dụ dỗ của các tổ chức kinh doanh đa cấp trái phép ngày càng tinh vi, khó nhận biết, kiểm soát, nhất là với sự hỗ trợ của internet và mạng xã hội. Cách đây khoảng 5 năm, hình thức chủ yếu của các công ty đa cấp là bán sản phẩm kém chất lượng với giá “trên trời”; lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia bằng cách tổ chức các buổi gặp mặt trao thưởng hoành tráng. Giờ đây, khi có nhiều mô hình kinh tế khởi nghiệp, nhất là trên nền tảng thương mại điện tử, các tổ chức kinh doanh đa cấp cũng nhanh chóng hóa mình thành “tắc kè hoa” với những cái tên mỹ miều và viễn cảnh tươi đẹp cùng đích đến là giới trẻ, sinh viên cần tìm việc làm thêm.
Cũng theo xu hướng thương mại điện tử, gần đây, một số tổ chức đã xây dựng các website, ứng dụng hoàn tiền mua sắm (cashback) có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép. Viễn cảnh được “vẽ” ra là giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch từ 80% tới 100% hoặc thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua. Tuy nhiên, dù với hình thức, chiêu trò nào thì các đối tượng kinh doanh đa cấp trái phép trước tiên vẫn “đánh” vào lòng tham của người dân bằng cách vẽ ra những khoản lợi nhuận kếch xù và cách kiếm tiền đơn giản, nhẹ nhàng. Tinh vi hơn, để đánh trúng vào tâm lý giới trẻ, các đối tượng này thường đưa lên mạng xã hội các video, hình ảnh về “cuộc sống thượng lưu” với những bữa ăn đắt đỏ tại nhà hàng sang trọng, hàng hiệu, đồ hiệu…
Để không sập bẫy đa cấp, rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí vướng vào vòng lao lý thì trước hết mỗi người phải luôn tự nhắc bản thân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những lời dụ dỗ tham gia vào các công việc kiếm tiền quá dễ. Thực tế đã khẳng định, không có mô hình kinh doanh hay phát triển kinh tế nào có thể mang lại siêu lợi nhuận, giúp người tham gia “ngồi chơi cũng có tiền”. Kết quả điều tra các vụ việc kinh doanh đa cấp trái phép cho thấy, đối tượng chủ mưu lừa lấy tiền của người tham gia sau để chi tiêu cá nhân và trích một phần trả cho những người tham gia trước nhằm tạo lòng tin. Đến khi hết khả năng chi trả thì các đối tượng cầm đầu nhanh chóng “cao chạy xa bay”.
Việc dễ kiếm nhiều tiền sẽ khiến nhiều người “hoa mắt”. Song, thực tế minh chứng: Chỉ có lao động chân chính mới tạo ra của cải vật chất một cách bền vững cho bản thân và xã hội. Nhằm kịp thời ngăn chặn, cảnh báo người dân, nhất là giới trẻ tránh xa những cạm bẫy kinh doanh đa cấp trái phép, các địa phương, cơ quan, nhà trường, tổ chức đoàn thể… cần tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên phổ biến, vạch trần những thủ đoạn lừa đảo. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần xem xét sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm chặt chẽ để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh đa cấp, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
NGUYỄN ĐỨC TUẤN/QĐND