Định danh tài khoản người dùng-việc nên làm
Thông tin từ Bộ thông tin và truyền thông cho biết, Bộ đang yêu cầu Facebook phải tiến hành định danh tài khoản người dùng, trước hết là ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó chỉ các tài khoản định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (livestream). Ngoài ra, mạng xã hội này cũng cần có chính sách tiền kiểm và gỡ các quảng cáo phát tán tin giả liên quan đến các vấn đề chính trị khi có yêu cầu từ chính phủ.
Bộ cũng yêu cầu Facebook cấp nhanh xác thực (dấu tick xanh) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng, cũng như chỉ cho phép lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó.
Đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm hạn chế các tài khoản ảo lan tràn trên mạng như hiện nay và rất nhiều tài khoản ảo đó đang được sử dụng vào những hoạt động phi pháp như chống phá chính quyền, tuyên truyền thông tin phá hoại tư tưởng chiến tranh tâm lý, tung tin đồn nhảm, tin giả, thông tin lừa đảo người dùng, xâm hại uy tín cá nhân, tổ chức…
Thực ra, trên môi trường mạng hiện nay tương đối hỗn loạn và chính bởi sự nhiễu loạn của truyền thông xã hội đã tác động tiêu cực tới xã hội, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng nên việc quy định định danh là cần thiết nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông thì Bộ cũng đang cố gắng xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật (fake news), hạn chế tình trạng giả mạo fanpage, thông qua xây dựng phương án chặn dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google.
Trước đó, hồi tháng 6, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong hai năm qua, Google đã hợp tác và gỡ bỏ gần 8.000 clip xấu độc theo yêu cầu. Tỷ lệ đáp ứng của Google trong 6 tháng đầu năm lên đến 95%. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý nội dung còn bất cập, việc ngăn chặn gỡ bỏ này như “bắt cóc bỏ đĩa”, dẫn đến tình trạng vẫn còn tồn tại tới 55.000 video độc hại trên YouTube.
Ngoài ra, Google đã gỡ 58 trong số 63 trò chơi, Apple gỡ 9 trong số 15 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play và AppStore. Facebook xóa 208 trong số 211 tài khoản giả mạo, hơn 2.400 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, gỡ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.
Rõ ràng, việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh 4.0 hiện nay. Hơn nữa, những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, ăn một đống tiền lợi nhuận từ Việt nam thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
HCĐ