Dự báo trật tự thế giới trong kỷ nguyên hậu Covid-19
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 tới nay vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu kết thúc. Tác động bao trùm của nó sẽ làm thay đổi căn bản cục diện kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh,… thế giới và thúc đẩy quá trình hình thành trật tự thế giới mới.
Đẩy nhanh quá trình sụp đổ trật tự thế giới đơn cực
Cách đây hơn 30 năm, trật tự thế giới lưỡng cực sụp đổ sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã. Mỹ coi đây là cơ hội lịch sử để thiết lập trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát. Do không còn vai trò kiềm chế của Liên Xô vốn là một cực trong trật tự thế giới lưỡng cực, Mỹ đơn phương phát động nhiều cuộc chiến tranh và gây ra nhiều “điểm nóng” trên thế giới. Chủ trương và hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế này không những bị thế giới lên án, mà còn khiến Mỹ tiêu hao quá lớn tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự, tự đẩy mình lâm vào cuộc khủng hoảng, mở đầu là cuộc khủng hoảng năm 2008. Thất bại của Mỹ trong chính sách đối ngoại trong 30 năm sau Chiến tranh lạnh còn được thể hiện ở chỗ, Washington đã không thể áp đặt thành công các “giá trị Mỹ” cho các quốc gia khác thông qua chiến tranh hay các cuộc “cách mạng màu”. Trong đó, điển hình là Mỹ đã thất bại trong chủ trương “xúc tiến dân chủ” thông qua “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia, “cách mạng cam” ở Ukraine hay trong các cuộc “cải cách” mang tên “Mùa Xuân Arab” ở các nước Bắc Phi – Trung Đông. Mỹ cũng thất bại trong việc sử dụng sức mạnh quân sự để “xúc tiến dân chủ” ở Afghanistan, Iraq hay Libya. Trong khi đó, Trung Quốc trỗi dậy, trở thành nền kinh tế chiếm vị thế thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Còn nước Nga, theo thời gian đã phục hưng và trở thành cường quốc mới của thế giới. Cả Trung Quốc và Nga đều tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo và sẽ phối hợp nỗ lực chung để xây dựng trật tự thế giới đa cực.
Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 làm bộc lộ những hạn chế rất cơ bản của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa sau Chiến tranh lạnh và là động lực thúc đẩy nhanh quá trình sụp đổ trật tự thế giới đơn cực theo “sự đồng thuận Washington”. Trong đại dịch này, các nước tư bản không thể coi mình là “khuôn mẫu” cho cả thế giới và đặt dấu hỏi nghi vấn đậm nét cho nhận định rằng, hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ là “sự cáo chung lịch sử”. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020, đa số tham luận của các chuyên gia và chính khách hàng đầu thế giới có chung nhận định rằng, đại dịch Covid-19 đưa chủ nghĩa tư bản đứng trước ngã rẽ có tính bước ngoặt lịch sử trong bối cảnh các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, không thể đạt được sự đồng thuận về một chiến lược thống nhất nhằm ngăn chặn tác động của đại dịch này, thậm chí Mỹ đã rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới – cơ quan đóng vai trò chủ đạo trong cuộc chiến ngăn chặn làn sóng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Do đó, các nhà lãnh đạo, chính khách và các chuyên gia, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres; Chủ tịch điều hành và là người sáng lập Diễn đàn kinh tế thế giới – Giáo sư Klaus Schwab và Giám đốc Điều hành ngân hàng thế giới Kristalina Georgie đã đề xuất sáng kiến chung mang tên “Tái cấu trúc vĩ đại” để đổi mới mô hình chủ nghĩa tư bản thế giới. Phát biểu tại căn cứ Không quân Hoàng gia Anh RAF Mildenhall trong chuyến công du dài ngày tới châu Âu tháng 6/2021, Tổng thống Joe Biden nhận định: “Thế giới đang đứng trước bước ngoặt lịch sử, trong đó không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được các vấn đề của thế giới đương đại”. Ông Joe Biden kêu gọi các nước cùng nhau xây dựng tương lai chung của thế giới, trong đó Mỹ sẽ không còn hành xử theo lối áp đặt ý chí của mình cho các quốc gia khác và để vượt qua đại dịch Covid-19 cũng như hóa giải các mối đe dọa tương tự trong tương lai, cần có sự hợp tác quốc tế và phối hợp hành động đa phương. Bài phát biểu này của Tổng thống Joe Biden có thể coi là “lời cáo chung” trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo sau Chiến tranh lạnh.
Xu hướng xây dựng Trật tự thế giới mới – Yalta 2.0
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, tháng 02/1945, nguyên thủ ba cường quốc chiến thắng là Liên Xô, Mỹ và Anh đã tổ chức hội nghị lịch sử tại thành phố Yalta để thống nhất quan điểm về những nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới sau chiến tranh. Vì thế, trật tự thế giới hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai thường được gọi là “Trật tự Yalta” – Yalta 1.0. Hiện nay, Liên Xô không còn tồn tại, còn vai trò của Mỹ và Anh cũng đã thay đổi căn bản. Trong khi đó, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản đang tích cực hướng tới vị thế cường quốc, trong đó Trung Quốc đang vươn lên vị thế siêu cường thế giới. Vì thế, lãnh đạo nhiều nước cho rằng đã đến lúc phải tái cấu trúc quan hệ quốc tế hiện hành vì chúng đã lỗi thời để xây dựng trật tự thế giới mới.
Ý tưởng này đã từng được thảo luận trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng do sự trì trệ trong tư duy chính trị, nhiều nhà lãnh đạo thế giới chưa sẵn sàng chấp nhận một trật tự thế giới mới đang hình thành. Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 được coi là động lực mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa ý tưởng và nỗ lực xây dựng trật tự thế giới mới. Trong đó, tất cả các quốc gia, kể cả Mỹ, sẽ phải thích ứng với một trật tự thế giới khác nhằm đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, hiện nay tuy Liên bang Xô Viết không còn nữa, nhưng nước Nga được kế thừa vị thế của Liên Xô và đã trở thành cường quốc có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng Nga là cường quốc mới và sẽ cùng với Mỹ đảm bảo sự ổn định chiến lược cho toàn thế giới. Do đó, cần phải tiếp tục duy trì tất cả thiết chế cơ bản của Trật tự thế giới trước đây – Yalta 1.0, như: Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an gồm 05 thành viên thường trực: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp – có quyền phủ quyết các quyết định được bàn thảo về các vấn đề chiến tranh và hòa bình. Trên cơ sở đó, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, cần dựa trên cơ sở Trật tự Yalta 1.0 để từng bước điều chỉnh cấu trúc thể chế chính trị thế giới phù hợp với bối cảnh quốc tế mới nhằm hóa giải các nguy cơ mang tính toàn cầu mà không thể thực hiện được nếu chỉ bằng nỗ lực của một quốc gia, dù đó là quốc gia có sức mạnh kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới.
Gần đây, lãnh đạo của một số cường quốc khu vực đã có những tuyên bố về Trật tự thế giới mới – Yalta 2.0. Trong đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng, không nên phó mặc số phận của thế giới cho các cường quốc đã từng giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được đa số các nước thành viên tán thành. Trong hai ngày 16 và 17/11/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhóm họp để thảo luận về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an ; trong đó, đa số các nước thành viên tán thành gia tăng số lượng thành viên thường trực và không thường trực của cơ quan này, nhằm bảo đảm có đại diện công bằng của các khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Để xây dựng trật tự thế giới mới, Tổng thống Vladimir Putin đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ của 05 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an để bàn thảo cách thức xây dựng trật tự thế giới mới. Lãnh đạo các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp đã chấp nhận sáng kiến này nhưng do đại dịch Covid-19 nên chưa tổ chức được. Giới phân tích nhận định, Hội nghị này có thể được coi là Hội nghị Yalta 2.0 để bàn thảo về cách thức xây dựng Trật tự thế giới mới nhằm hóa giải những thách thức toàn cầu trong kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19 mà không một quốc gia hay nhóm quốc gia nào có thể hóa giải được.
Xu hướng hình thành trật tự thế giới lưỡng cực mới
Nếu Trật tự Yalta 1.0 sau Chiến tranh thế giới thứ hai dựa trên hai cực là Mỹ và Liên Xô thì Trật tự Yalta 2.0 cũng dựa trên hai cực mới, trong đó một cực là Mỹ, còn cực kia là liên kết Trung Quốc với Nga. Sau khi nhậm chức vào đầu năm 2021, trong bài phát biểu tại quốc hội, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định rằng, thế kỷ XXI sẽ là kỷ nguyên cạnh tranh giữa một bên là liên minh các quốc gia “dân chủ” do Mỹ dẫn đầu với bên kia là các quốc gia “chuyên chế” đứng đầu là Trung Quốc và Nga. Vì thế, ngày 09 và 10/12/2021, Tổng thống Joe Biden tổ chức Hội nghị các quốc gia dân chủ theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của hơn 100 nước, dĩ nhiên Trung Quốc và Nga không được mời do bị coi là các quốc gia “chuyên chế”. Thực chất, sự cạnh tranh giữa các quốc gia “dân chủ” và các quốc gia “chuyên chế” là sự cạnh tranh giữa một bên là Mỹ đang nỗ lực cứu vớt trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát đã không còn cơ sở và lý do để tồn tại với bên kia là Trung Quốc và Nga đang liên kết cùng nhau để bác bỏ trật tự thế giới đơn cực. Trong đó, Trung Quốc đặt ra mục tiêu tới năm 2049 sẽ trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa dẫn dắt thế giới trong thời đại mới. Do đó, liên kết Trung Quốc – Nga đang đóng vai trò là một cực trong trật tự thế giới lưỡng cực mới.
Trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc, đại dịch Covid-19 đang đẩy sự cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa hai nước tiếp tục leo thang lên cấp độ cao hơn và diễn ra trên nhiều chiến tuyến: (1). Giữa mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo và nền kinh tế thị trường do nhà nước quản lý với mô hình chủ nghĩa tư bản Mỹ dựa trên nền tảng kinh tế thị trường tự do; (2). Chiến tranh thương mại; (3). Tranh giành vị thế số 1 trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (4). Giữa dự án “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc và “BRI phiên bản dân chủ” của Mỹ; (5). Giữa vị thế đồng USD và đồng Nhân dân tệ; (6). Biển Đông – nơi Mỹ bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc; (7). Đài Loan – nơi Washington ủng hộ toàn diện cho chính quyền Đài Bắc, còn Bắc Kinh coi đó là sự can thiệp vào chủ quyền của Trung Quốc; (8). Chạy đua vũ trang; (9). Nhân quyền – nơi Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, v.v.
Trong quan hệ Mỹ – Nga, tính chất đối đầu còn căng thẳng hơn cả thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong đó, Mỹ đơn phương rút khỏi nhiều hiệp ước đã ký với Liên Xô/Nga, như: Hiệp ước phòng thủ tên lửa, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, Hiệp ước bầu trời mở. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và Nga càng liên kết chặt chẽ hơn để hóa giải các thách thức từ Mỹ. Phát biểu tại Diễn đàn Câu lạc bộ quốc tế Valdai năm 2020, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga và Trung Quốc đã xây dựng được quan hệ hợp tác hiệu quả và sự tin cậy cao chưa từng có, thậm chí có thể tiến tới hình thành liên minh quân sự trước sức ép ngày càng gia tăng từ Mỹ.
Như vậy, trong kỷ nguyên sau đại dịch Covid-19, trật tự thế giới vẫn đang trong quá trình chuyển hóa không ngừng. Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm, các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn.
Đại tá LÊ THẾ MẪU/TCQPTD