Đừng áp đặt “nhân quyền kiểu Mỹ” lên Việt Nam!
Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ đã nêu rõ “… mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.” Trong những năm qua, Mỹ là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất về vấn đề nhân quyền và tự xem mình là “hình mẫu” để áp đặt chính sách về nhân quyền của họ lên tất cả các quốc gia trên thế giới. Song cũng chính nước Mỹ, hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, là nước thường xuyên bất chấp nguyên tắc, luật pháp quốc tế để trực tiếp hoặc gián tiếp chà đạp lên quyền con người, nhất là quyền được sống – nhân quyền cơ bản và tiên quyết nhất của nhân dân nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như nhân dân của chính đất nước này. Tại sao lại nói như vậy?
Đầu tiên, nói về việc Mỹ xâm hại đến nhân quyền của nhân dân các quốc gia trên thế giới. Bằng việc trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra các cuộc chiến đẫm máu, Mỹ và đồng minh đã khiến hàng nghìn người dân đất nước Libya mất mạng trong cuộc chiến khốc liệt mà Mỹ và NATO đã gây ra đối với đất nước tươi đẹp này vào năm 2011; hay cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài 9 năm ở Syria đã khiến hơn 380.000 người thiệt mạng, trong đó có trên 115.000 dân thường, là hệ quả của làn sóng biểu tình với những tên gọi “mỹ miều” như Mùa xuân Ả Rập và Mùa đông Ả Rập do Mỹ hậu thuẫn. Và chúng ta càng không thể quên cuộc chiến ở Iraq năm 2003, gây ra cái chết của hơn 650.000 người chỉ vì 1 chiếc lọ chứa chất bột màu trắng mà khi ấy Mỹ một mực dùng để vu cáo Iraq đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Gần đây, năm 2021, Mỹ quyết định rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan khép lại cuộc chiến gần hai mươi năm tại quốc gia này sau khi lấy sự kiện al-Qaeda tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 làm “cái cớ” để Mỹ trực tiếp can thiệp quân sự, hiện thực hóa mưu đồ kiểm soát quốc gia Nam Á có vị trí chiến lược trọng yếu này. Nhân dân Việt Nam và người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới càng không thể quên cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam mà qua đó, Mỹ đã tàn sát hàng triệu người vô tội ở Việt Nam và để lại di chứng hậu chiến tranh cực kỳ tàn khốc với hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3, ở một số địa phương, hậu quả chất độc da cam đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4…
Thứ hai, nói về vấn đề nhân quyền trong lòng nước Mỹ. Liên hợp quốc trong một báo cáo được công bố đã lên tiếng cảnh báo về mức độ chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ đang ngày một gia tăng và chỉ rõ Mỹ – một trong những nước giàu nhất thế giới và là “đất nước của cơ hội” – đã nhanh chóng trở thành nước đứng đầu về bất bình đẳng giàu nghèo. Mỹ cũng là nước có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất trong 20 quốc gia giàu có trên thế giới và là nước có tỷ lệ trẻ em sống trong nghèo khó cao nhất ở các nước công nghiệp phát triển. Hiện có tới 5 triệu người dân Mỹ sống trong tình trạng “cực nghèo” như ở các nước thế giới thứ ba. Trước đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng từng công bố một báo cáo điều tra cho thấy phần lớn người Mỹ hiện giàu có hơn so với trước cuộc đại suy thoái 2007 – 2009 nhờ hưởng lợi từ kinh tế phát triển, tuy nhiên khoảng cách chênh lệch về thu nhập và tài sản vẫn đang có xu hướng nới rộng. Thu nhập của nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ chiếm 23,8% tổng thu nhập của toàn nước này trong khi nhóm 90% thu nhập kém nhất chiếm 49,7%. Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ hiện sở hữu 38,6% tổng tài sản cá nhân, tăng 2,3% từ năm 2013; trong khi đó giá trị tài sản cá nhân 99% số người Mỹ còn lại đều giảm… Mỹ cũng là quốc gia có tình trạng phân biệt chủng tộc đáng báo động, đặc biệt là đối với người Mỹ gốc Á, nhất là kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Mỹ vào đầu năm 2020. Theo thống kê, kể từ tháng 3/2020 đến hết tháng 2/2021 đã có gần 3.800 vụ tấn công nhằm vào nhóm người này được ghi nhận ở 48/50 bang của Mỹ, trong đó, cộng đồng người Mỹ gốc Hoa chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 42%, tiếp đến là người Hàn Quốc với gần 15%, người gốc Việt là 8,5% và người gốc Philippines là gần 8%… Gần đây, vấn đề bạo lực súng đạn tại Mỹ lại làm dấy lên những mối lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền, nhất là quyền được sống của người dân tại đất nước này. Rất nhiều cuộc biểu tình xuống đường nhằm kêu gọi Chính phủ Mỹ cần có những biện pháp thiết thực để giải quyết vấn nạn bạo lực súng đạn tại nước này song nhiều năm trôi qua, Mỹ dường như vẫn “bế tắc” trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Tất cả những con số trên có thể khiến tâm can của bất cứ con người có lương tri nào đau nhói. Song, vẫn có rất nhiều đối tượng, phần tử cơ hội mù quáng ca ngợi nhân quyền kiểu Mỹ lên tận mây xanh và cố tình không thừa nhận thành tựu trong công tác bảo đảm quyền con người của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Mặc cho trên các diễn đàn quốc tế lớn về phát triển, bảo đảm quyền con người, Việt Nam luôn được nhắc tới như là một hình mẫu thành công trong các nỗ lực về bình đẳng giới và đảm bảo quyền con người. Để đạt được các thành công đó, bên cạnh những nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật quốc gia về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam từ nhiều năm qua luôn chủ trương đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, đặc biệt là việc tham gia thực hiện về cơ bản đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người nhằm thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta trong việc thúc đẩy và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản cho người dân Việt Nam theo đúng các chuẩn mực quốc tế. Và trên hết, là niềm tin lớn lao của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước – một chế độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nơi mà sức khỏe, tính mạng con người đã và luôn được đặt lên vị trí cao nhất, nơi mà không có bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, đừng áp đặt “nhân quyền kiểu Mỹ” lên Việt Nam!
M.A.