Đừng “khóc mướn” và đổ lỗi cho chính quyền

Vừa qua có hình ảnh xuất hiện rất dày đặc trên truyền thông và mạng xã hội: “hàng đoàn người dắt díu nhau rời khỏi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để về quê”. Nhân dịp này mấy tên “khóc mướn” mạo nhận nhà dân chủ nọ kia lại có “bài ca ỉ ôi” và điểm mấu chốt của chúng là đổ lỗi toàn bộ cho chính quyền.

Lan man một chút chuyện bên ngoài lề: tôi có một người bạn làm lãnh đạo một phường ở Bình Dương khu ven Sài Gòn. Anh kể trong vài tháng dịch bệnh vừa qua, anh và các cán bộ phường làm việc không có ngày nghỉ, một ngày làm việc từ sáng sớm đến tối muộn. Với nhiều áp lực “Bên trên trông xuống, người ta trông vào”. Ví dụ tại một phường, để thấy đội ngũ cán bộ công chức cũng như toàn bộ hệ thống chính quyền, đoàn thể cũng đã hoạt động hết sức nỗ lực trong thời gian qua.

Thêm một câu chuyện nữa, một anh bạn là giám đốc một công ty may xuất khẩu đang than thở vì không có lao động sau khi mở cửa trở lại. Thậm chí, phía công ty của anh này đã tìm đủ mọi cách như tăng lương, tăng thưởng, thưởng cho người giới thiệu để có đủ nhân lực hoàn thành các đơn hàng rất gấp trong thời gian tới. Đây dường như là nỗi lo chung của nhiều doanh nghiệp khi mà dù được mở cửa trở lại nhưng lại thiếu nhân công.

Quay lại với bài viết với cái tít sặc mùi sến súa: “Trở về với máu, nước mắt và buồn tủi”, của Đỗ Duy Ngọc đã vẽ lên một bức tranh u ám, ghê sợ về những người “bế tắc phải đi cả trăm cây số trở về quê hương với bao nhiêu tai ương giữa đường”!

Thật tội nghiệp, nhưng đó là cách mà họ đã lựa chọn. Không có chính quyền cơ sở nào tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam “đuổi người” cả. Thậm chí lãnh đạo các địa phương này còn khẩn thiết mong mỏi “bà con hãy ở lại” và hứa hẹn những cơ chế ưu đãi nhất cho bộ phận lao động này.

Mấy nhà dân chủ cuội đừng có “chém gió” lung tung rằng họ bị đói, đẩy vào cảnh bần cùng nên mới tìm đường về quê. Xin lỗi các ông nhé, ở giữa Sài Gòn và các tỉnh trù phú phía Nam không bao giờ có chuyện “đói ăn” hay thất nghiệp. Chỉ có tùy trình độ, năng lực và thái độ công việc mà được hưởng đãi ngộ tương xứng mà thôi. Đúng là trong vài tháng qua, khi bị phong tỏa, cách ly, người dân đặc biệt là những lao động tỉnh xa tại các tỉnh phía Nam phải chịu nhiều cực khổ. Tuy nhiên, họ đã được sự giúp đỡ tận tình chu đáo từ chính quyền địa phương, các đoàn thể và những nhà hảo tâm. Giờ đây khi đã trở lại điều kiện “bình thường mới” nói như nhiều nhà lãnh đạo là “trong nguy có cơ”, cơ hội công việc với những ưu đãi mới xuất hiện vô cùng nhiều khi mà nhu cầu nhân lực đang đòi hỏi. Ở lại Sài Gòn thời điểm này là cơ hội không thể tốt hơn để kiếm được công việc tốt với mức lương và ưu đãi cao khi mà thị trường đang “khát” lao động.

Người dân đua nhau trở lại quê hương. Đó là sự lựa chọn của họ. Vậy thì cơn cớ gì mà trách móc chính quyền về những điều mà họ gặp phải trên đường thiên lý vạn dặm ấy. Đừng lấy mấy hình ảnh dân túy kiểu như em bé khóc ngằn ngặt giữa đường hay bà mẹ mang thai sắp đẻ để mà ủy mị, hờn trách. Lật lại vấn đề, tại sao lại (vô tình) đẩy người thân của mình vào tình cảnh đó khi có những sự lựa chọn tốt hơn.

Cũng vì cái cảnh người dân tự ý về quê ấy mà Duy Ngọc lại bẻ cong để thành vấn đề: “Khi lãnh đạo không nhận đồng bào của mình trong lúc khó khăn thì gọi là bất nhân. Làm lãnh đạo, làm con người mà bất nghĩa, bất nhân thì làm sao tạo được lòng tin. Lãnh đạo bất nhân, bất lực, bất tài chỉ khiến cho dân đã khổ càng thêm khổ. Dân buồn, dân tủi vì lãnh đạo quê nhà từ chối họ, họ trở thành người lạ ngay trên chính quê hương mình”. Đâu có chuyện quê nào, nơi nào không nhận, mà chỉ là yêu cầu thực hiện cách ly, đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và cho cộng đồng. Đỗ Duy Ngọc lại lèo lái rồi, nói thì phải đúng sự thật, chứ đừng cố ý hướng lái câu chuyện theo chủ ý cá nhân chẳng hề có chút thiện ý nào, chỉ rình mò để công kích, bôi nhọ chính quyền, làm bậy như thế có ra con người không?

Chúng ta đều chứng kiến sau hơn 4 tháng chống dịch Covid-19 với biến thể Delta nguy hiểm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với người dân, dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế. Cả nước đã được chuyển sang trạng thái phòng chống dịch mới, thích ứng an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đã được khởi động trở lại… không ai có thể dự đoán được hết mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh, vấn đề là tất cả mọi người cần bình tĩnh, lựa chọn và thực hiện đúng hướng dẫn, không vì khó khăn trước mắt mà quyết định vội vàng, để chính cuộc sống của mình bị ảnh hưởng, hoặc còn có thể gây lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. 

Tuy nhiên, cũng cần kể đến một số người bị tác động bởi tâm lý đám đông, một số còn bị lôi kéo bởi những thành phần cơ hội, chống phá nhân lúc khó khăn đã gây nhiễu thông tin kích động mọi người về chính sách, về nguy cơ của dịch bệnh…để tạo ra sự hoang mang, đẩy người dân đi đến quyết định bỏ thành phố để về quê. Và cũng chính những kẻ này, trong đó có cả Đỗ Duy Ngọc đã “bẻ lái” thành “Những cuộc trở về với máu nước mắt và buồn tủi như thế vẫn đang diễn ra hàng ngày trên đất nước này. Bao giờ mới chấm dứt những cuộc di tản đau buồn đó. Và biết đến bao giờ dân nghèo mới bớt khổ đau? Thương quá đồng bào tôi ơi!” để ra vẻ “xót xa” cho người dân, nhưng thực chất là đang lợi dụng để công kích chế độ, chống phá chính quyền, nhà nước ta.

Còn với những người dân, thực sự cũng có vấn đề của họ, nhưng thiết nghĩ mọi người cũng đừng có hờn trách quê hương tại sao không hoan hỉ đón chào. Nên nhớ mỗi người về từ vùng dịch là một nguy cơ cao đối với các địa phương đang nỗ lực ở mức cao nhất để duy trì tình trạng “xanh” để sắp bước vào trạng thái bình thường mới. Những người dân này trở về quê hương đương nhiên là phải đi cách ly theo quy định. Chẳng có lý do gì mà Đỗ Duy Ngọc gào khóc lên rằng “sao quê hương ứng xử với mình chán thế”. Đến đây chợt nhớ lại câu nói đùa hay lan truyền trên mạng xã hội rằng: Về làm gì, nhà đang yên ổn!

Đỗ Duy Ngọc cũng đừng giả đò với bài khóc mướn lộ liễu thế, bởi chiêu trò này xưa lắm rồi. Người dân họ thừa biết mình làm gì và chính quyền cũng hiểu họ nên làm như thế nào. Không cần phải bày trò kích động như vậy, nực cười lắm.

Tống Minh Phương/hsv

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.