ĐỪNG TỰ BIẾN MÌNH THÀNH “CON TỐT THÍ” TRÊN BÀN CỜ “DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN”!

Mới đây, lợi dụng việc Tòa án nhân dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tuyên phạt đối tượng Danh Minh Quang (sinh năm 1987, thường trú ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) 3 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, nhà đài VOA Tiếng Việt liền đăng tải bài viết “HRW lên tiếng về bản án đối với ông Danh Minh Quang” trong đó có nội dung thông tin Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) “lên án” chính quyền Việt Nam tuyên án tù ba năm rưỡi đối với “nhà hoạt động” Danh Minh Quang, kêu gọi trả tự do ngay cho đối tượng này. Trong bài viết của mình, VOA đã dẫn lời vu khống của Phó giám đốc châu Á của HRW là Phil Robertson rằng: “Chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã chà đạp một cách trắng trợn quyền tự do ngôn luận và trả thù một công dân chỉ vì người này nêu quan điểm độc lập về chính trị của mình trên mạng xã hội”; và trơ trẽn yêu cầu Quốc hội Việt Nam khẩn trương sửa đổi Bộ luật Hình sự và bãi bỏ các điều luật mà chúng cho là “xâm phạm nhân quyền”, trong đó có Điều 331. Không những thế, theo HRW “có nhiều vụ xung đột giữa chính quyền địa phương và các nhóm Khmer Krom đòi quyền lợi của người bản địa và quyền tự do tôn giáo” và “mặc dù Việt Nam ủng hộ Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các dân tộc bản địa (UNDRIP) có từ 2007, nhưng đến nay vẫn không công nhận các dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer Krom, là người bản địa”… Có thể thấy, đây không phải là lần đầu tiên tổ chức HRW cố tình đánh tráo khái niệm và tung ra các luận điệu xuyên tạc trắng trợn về tình hình dân chủ, nhân quyền cũng như có các hành vi can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Kẻ vi phạm pháp luật thì phải bị trừng trị…

Lật lại cáo trạng của đối tượng Danh Minh Quang để thấy 3 năm 6 tháng tù là bản án thích đáng, đúng người, đúng tội dành cho kẻ chuyên đội lốt dân tộc, tôn giáo, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Từ năm 2020 đến khi bị bắt, đối tượng này thường xuyên sử dụng mạng xã hội để biên soạn, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video và phát trực tiếp các nội dung xuyên tạc, đưa thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; về chính sách an sinh xã hội của địa phương; xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa phương. Hành vi của y diễn ra trong thời gian dài, mang tính hệ thống, vi phạm Luật An ninh mạng, mặc dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn ngoan cố, không sửa đổi.

Cần nhớ, Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Việc cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý Danh Minh Quang hoàn toàn không phải là “đàn áp tôn giáo” mà là xử lý đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, là biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Đây hoàn toàn không liên quan gì đến dân chủ hay nhân quyền!

Cần tỉnh táo để không tự biến mình thành “con tốt thí” trên bàn cờ “dân chủ, nhân quyền” của các tổ chức phản động…

Có thể thấy, rõ ràng HRW đang cố tình đánh tráo khái niệm “dân tộc bản địa” và “dân tộc thiểu số” để phục vụ mưu đồ xấu xa của mình. Trong “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 13/9/2007, cụm từ “Indigenous peoples” được dịch là “dân tộc bản địa” hay “dân tộc bản xứ”. Thuật ngữ này xuất hiện cùng với quá trình tìm kiếm thị trường, truyền bá tôn giáo và xâm lược thuộc địa từ khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX của các nước tư bản châu Âu đối với các quốc gia ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Ví dụ, những người thổ dân ở châu Úc đã sinh sống lâu đời trước khi người Anh xâm lược; những người Mỹ gốc thổ dân thường được gọi là người da đỏ (hay Anh điêng) đã sinh sống lâu đời trên vùng đất Hoa Kỳ trước khi người châu Âu đến chiếm đóng. Khu vực Mỹ Latinh trước kia là lãnh thổ của các bộ lạc da đỏ. Đối tượng mà Nghị quyết 61/295 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đề cập đến chính là các nhóm thổ dân này.

Còn ở Việt Nam, thời kỳ Pháp thuộc, tất cả các cộng đồng dân tộc Việt Nam (bao gồm cả người Kinh và các dân tộc thiểu số), không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giàu hay nghèo, trí thức hay lao động chân tay đều bị gọi chung bằng thuật ngữ miệt thị là “Annammit”. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người dân Việt Nam từ vị thế nô lệ vươn lên làm chủ đất nước. Thuật ngữ “dân tộc bản địa” hay “người bản xứ” cũng biến mất, thay vào đó là khái niệm “quyền công dân” – là quyền của tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số. Ở Việt Nam không tồn tại khái niệm “người bản địa” và không có dân tộc nào được coi là dân tộc bản địa, cộng đồng các dân tộc Việt Nam cư trú xen kẽ nhau, được hình thành và phát triển cùng với điều kiện lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước tạo nên một dân tộc Việt Nam đoàn kết, thống nhất trong 54 dân tộc anh em. Điều 5, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc…

Ở Việt Nam quyền của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam được cải thiện trên nhiều mặt, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Các dân tộc Việt Nam ngày càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định mạnh mẽ nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền của người dân tộc thiểu số, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc các thế lực thù địch, phần tử cơ hội cố tình lợi dụng “Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa” tuyên truyền luận điệu đòi công nhận các dân tộc bản địa, đòi các quyền phi lý, hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta là thủ đoạn vô cùng nguy hiểm, chúng ta cần hết sức tỉnh táo để không tự biến mình thành “con tốt thí” trên bàn cờ “dân chủ, nhân quyền” của các tổ chức phản động!

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.