Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là không thể phủ nhận
Với quan điểm kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tuy nhiên, bất chấp thực tế, các thế lực thù địch vẫn cố tình xuyên tạc, vu cáo rằng: Gốc rễ của tham nhũng tràn lan ở Việt Nam là do một nhà nước độc đảng, chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ không bao giờ tiến xa…
Như chúng ta đã biết, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự hình thành của giai cấp, sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, nó là căn bệnh của nhà nước. Thực tế trên thế giới cho thấy, ở các nước tư bản chủ nghĩa, duy trì chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn tồn tại, với rất nhiều vụ việc lớn trên tất cả các lĩnh vực, thậm chí một số nguyên thủ quốc gia ở một số nước như: Hàn Quốc, Malaysia, Brazil… cũng bị điều tra, truy tố, xét xử về tội tham nhũng. Theo công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng trong khu vực công hằng năm của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) đối với 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, chủ yếu là các nước, vùng lãnh thổ đi theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa cho thấy, nước nào có chỉ số cao nhất cũng chỉ đạt 88/100 điểm, có nghĩa là quốc gia nào cũng có tham nhũng, khác nhau chỉ ở mức độ nghiêm trọng, bởi không quốc gia, vùng lãnh thổ nào đạt được 100 điểm. Vì vậy, việc cho rằng gốc rễ của tham nhũng ở Việt Nam là do một đảng lãnh đạo chỉ là những luận điệu lập lờ đánh lận con đen của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam.
Nhận thức được mức độ nguy hại của tham nhũng đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển đất nước nên Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, bộ Luật về công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là gần đây, nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương được điều tra, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.
Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân nhận thức đầy đủ, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận rõ và đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận kết quả phòng, chống tham nhũng, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.
(VPB)