Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong giải quyết công việc

“Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị”, đó là một trong 05 quan điểm cơ bản của Đảng ta về công tác cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thời gian gần đây, nhiều diễn đàn từ Trung ương đến địa phương đang bàn luận về vấn đề một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, thiếu sáng tạo trong công việc.

(Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh)

Tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không tâm huyết với công việc trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngay cả đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh Bình Thuận đã diễn ra từ nhiều nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid-19 và đặc biệt sau khi một số cán bộ, công chức, đảng viên của tỉnh bị bắt giam, xử lý kỷ luật dưới nhiều hình thức từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng này xuất hiện nhiều hơn, thường xuyên hơn, nhất là trên các ngành, lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, xây dựng, môi trường, giáo dục, y tế,…Vấn đề này nếu không được nghiên cứu, có phương án xử lý kịp thời sẽ dễ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng; làm chậm trễ, trì trệ, thậm chí dẫn đến không hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của từng cơ quan, đơn vị và toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; làm giảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân dân; gây mất ổn định, đoàn kết nội bộ, làm triệt tiêu ý chí phấn đấu, tính sáng tạo và tâm huyết làm việc của những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực sự tận tâm, cống hiến cho công việc chung.

Những biểu hiện của tình trạng này có thể kể đến như: một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý tỏ ra e ngại, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, không dám đưa ra quyết định, giải quyết công việc, kể cả thấy việc đúng cũng không dám làm. Cán bộ, công chức chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc, không coi trọng công việc, không có tinh thần chủ động, sáng tạo, không chịu học hỏi, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu của công việc. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thường tìm cách lảng tránh hoặc đùn đẩy cho người khác những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, không thực sự tâm huyết, trách nhiệm, chỉ làm việc qua loa cho hết thời gian, không thực sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ cho công việc. Trong công tác xây dựng Đảng có thể kể đến việc ngại tham gia ý kiến trong các cuộc họp, lười đọc tài liệu trước khi tham gia họp; làm việc máy móc, không chịu khó nghiên cứu quy định, ngại đổi mới, thiếu tính sáng tạo khi tham mưu văn bản.

Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý như hiện nay. Đầu tiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh ta từ cấp tỉnh đến cấp xã vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu năng lực trong công tác, thậm chí có trường hợp không đủ khả năng, kỹ năng để hoàn thành công việc được giao dẫn đến né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, của xã hội. Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, không chịu khó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực tiễn hoặc đi học chỉ là để có thêm bằng cấp, chứng chỉ phục vụ nhu cầu thăng tiến trong công việc; thiếu tinh thần tự giác, trách nhiệm, khả năng chịu áp lực công việc kém.

Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức thiếu động lực làm việc do mức lương hiện tại không đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống (rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập) nên không muốn cống hiến toàn bộ trí tuệ, thời gian và tâm huyết cho công việc. Các cơ quan, đơn vị hiện nay đều được giao chỉ tiêu biên chế cứng, tức là phải có cán bộ về hưu thì mới được tổ chức tuyển dụng mới tạo nên khoảng cách lớn về trình độ, kinh nghiệm, tính năng động, sáng tạo giữa các thế hệ cán bộ.

Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta đẩy mạnh trong toàn hệ thống chính trị, rất nhiều cán bộ của tỉnh đã bị xử lý kỷ luật dưới nhiều hình thức khác nhau đã ảnh hưởng đến cán bộ đang thực thi công vụ, đặc biệt là những người đứng đầu có tâm lý và thái độ làm việc cầm chừng, đảm bảo an toàn cho mình. Môi trường làm việc tại một số cơ quan, đơn vị chưa khích lệ sự sáng tạo, đổi mới khiến cán bộ, công chức trở nên thụ động, làm việc cầm chừng, không sáng tạo. Phân công nhiệm vụ của các phòng, ban, bộ phận có nơi còn chưa hợp lý; những cán bộ, công chức thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ có xu hướng được giao nhiều việc hơn cán bộ, công chức thường xuyên mắc sai sót tạo nên môi trường làm việc thiếu sự công bằng, dễ gây ra tâm lý chán nản cho bộ phận cán bộ, công chức thực sự có năng lực.

Để giải quyết tình trạng trên đòi hỏi sự quan tâm và chỉ đạo mạnh mẽ từ phía các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự quyết tâm của lãnh đạo, người đứng đầu của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Trước tiên, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất của công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ nghiêm túc, dân chủ, công khai, chính xác; đánh giá cán bộ khách quan, phản ánh đúng phẩm chất, năng lực, sở trường, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ; thực hiện quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, khen thưởng cán bộ trên cơ sở kết quả đánh giá cán bộ.

Hai là, các cấp ủy đảng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc cởi mở, dân chủ, khuyến khích cán bộ đề xuất ý kiến, sáng kiến mới; đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ có thành tích xuất sắc, năng động, sáng tạo và tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; nghiêm túc kiểm điểm, phê bình, thậm chí miễn nhiệm đối với những cán bộ “an phận thủ thường”, không dám nghĩ, không dám làm, không chịu trách nhiệm, không hành động vì lợi ích chung.

Ba là, tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm trong công việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc, tư duy chiến lược và biết cách giải quyết vấn đề.

Bốn là, xây dựng hệ thống đánh giá, khen thưởng phù hợp, công bằng để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phân công và đánh giá chất lượng công việc trên cơ sở khách quan, khoa học.

Năm là, cần tập trung rà soát những bất cập, nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để khắc phục tình trạng đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Sáu là, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức kết hợp với kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Từ đó, kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

Bảy là, nghiên cứu, tổ chức thí điểm việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý bằng cách người dự thi phải đề xuất các đề án, sáng kiến, giải pháp để giải quyết những việc khó khăn, cấp bách, giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; qua đó chọn lựa được những cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự có đủ phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Việc tổ chức thi tuyển cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, khoa học và thực tiễn, tránh làm hình thức, cục bộ và công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

NGUYỄN ANH TRUNG (https://www.binhthuan.dcs.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *