Khi “tự do báo chí” là chiếc áo ngụy trang

Đến hẹn lại lên, cứ đến tháng 3 hàng năm, tổ chức Phóng viên không biên giới hay Ký giả không biên giới (Tiếng Pháp: Reporters sans frontières-RSF; một tổ chức phi chính phủ với phạm vi hoạt động trên toàn cầu) đã đưa ra thông cáo về “chỉ số tự do báo chí” của các quốc gia trên thế giới.

Khi “tự do báo chí” là chiếc áo ngụy trang

Chỉ số này được công bố lần đầu tiên vào năm 2002; được thiết lập dựa trên những khảo cứu từ các tổ chức liên kết, thông tín viên cũng như từ những nhà báo, nhà nghiên cứu, luật gia và nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sự trớ trêu ở chỗ, “nguồn” của những khảo cứu làm cơ sở cho việc đánh giá và xếp hạng lại không được công bố một cách rõ ràng, tỉ mỉ. Những người được tiếp cận để công bố thông tin thường chỉ là một nhóm người có những bất đồng với nhà nước sở tại về quan điểm, đường hướng hoạt động báo chí hoặc đã, đang bị bắt, xử lý vì hành vi vi phạm liên quan. Đó cũng là lí do khiến các bản thông cáo hàng năm của RSF ít gây chú ý tới và được đánh giá là “bổn cũ soạn lại”, nhằm mục đích tấn công, hạ bệ chính giới nào đó chứ không phải đưa ra những chỉ số khách quan, trung thực.

So với các năm trước, tình hình về tự do tôn giáo, thông tin của Việt Nam được phản ánh trong thông cáo được công bố ngày 11/3 của RSF không có nhiều sự khác biệt về thứ bậc xếp hạng. Với việc bị xếp vào danh sách 20 nước bị coi như kẻ thù của tự do báo chí trên mạng năm 2020, Việt Nam tiếp tục được “ghi” là quốc gia có tình trạng bóp méo, ngăn cấm quyền tự do biểu đạt thông tin. Trên cơ sở danh sách được công bố, chẳng có gì là quá lạ khi chỉ số về tự do báo chí của Việt Nam chỉ khiêm tốn đứng ở con số 176/180 quốc gia được RSF đưa vào danh sách xếp hạng.

Điều đáng nói ở đây, mặc dù tiêu chí xét về mức độ tự do báo chí được đưa ra khá khách quan và được đánh giá là phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí của đa số các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cụ thể gồm 4 tiêu chí: (1) sách nhiễu, (2) có kiểm duyệt của nhà nước, (3) bóp méo thông tin và (4) do thám, giám sát thông tin.

Từ các tiêu chí này, RSF tiến hành phân loại, nhóm các quốc gia làm cơ sở cho việc định chỉ số. Tuy nhiên, như hầu hết những bản thông cáo về nhân quyền, tự do được đưa ra nhằm vào Nhà nước Việt Nam của các tổ chức, cá nhân có thái độ thù địch, bản Thông cáo năm 2020 của RSF hội tụ đầy đủ những yếu tố để nói rằng, đó thực chất là chiêu trò của tổ chức này nhằm hạ uy tín, làm cơ sở để gây sức ép với Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động về kinh tế, chính trị tầm vóc thế giới, khu vực. Phản ánh sai lệch, thiếu trung thực về bức tranh tự do báo chí và phủ nhận những kết quả, nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho báo giới hoạt động và quyền biểu đạt, tự do thông tin của người dân.

Theo đó, RSF xếp thứ hạng của Việt Nam tiếp tục “đội sổ” và là “hiện đang thuộc nhóm các quốc gia cần nâng mức độ cảnh báo cao về tình hình tự do báo chí”. RSF cũng đưa ra khuyến cáo các nước cần đề nghị Việt Nam phải có lộ trình cải thiện tình hình “tự do tôn giáo” như một điều kiện bắt buộc nếu muốn tham gia hoặc tham gia sâu vào các lĩnh vực mà chúng ta có nhu cầu, thế mạnh. Song, RSF lại không đưa ra được bất cứ bằng cứ có tính xác thực nào ứng với các tiêu chí được họ đưa ra.

Vẫn là những quy kết gắn với những cái tên cũ, những vấn đề được gắn thêm dòng chữ “Việt Nam tiếp tục vi phạm…” từ bản thông cáo các năm trước. RSF đưa lý lẽ nói rằng: “Chính phủ Việt Nam đã sử dụng lực lượng 47 với khoảng 10.000 chiến binh mạng nhằm chống lại cái mà Chính phủ Việt Nam gọi là lực lượng phản động trên mạng”. Nói cách khác, mặc dù tự cho mình cái quyền xếp hạng chỉ số “tự do báo chí” của tất cả các nước trên thế giới song RSF lại chỉ dựa trên những suy đoán, phỏng đoán và cách tiếp cận sai lệch.

Trong khi đó, diện mạo và thực tiễn đời sống báo chí, tự do báo chí tại Việt Nam đang phản ánh những bước tiến đáng ghi nhận. Đó không chỉ là việc Việt Nam đã, đang tham gia và nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan mà trên nền tảng đó, Việt Nam đã chủ động, sáng tạo và đầy trách nhiệm trong việc cụ thể hoá quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng bằng văn bản pháp lý. Tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tại Luật Báo chí hiện hành, chúng ta cũng đã có hẳn một chương với 4 điều (từ Điều 10 đến Điều 13, Chương II) quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Về mặt thực tiễn, đời sống hoạt động báo chí đang phát triển một cách hết sức sôi nổi với sự đa dạng về loại hình báo chí, tư báo in, báo nói, báo truyền hình, báo điện tử; nhà nước quan tâm và đảm bảo bằng cơ chế pháp luật để mọi công dân đều có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách thuận lợi nhất. Cùng với các hãng thông tấn, báo chí trong nước, các hãng truyền thông, báo chí nước ngoài cũng đang hoạt động tích cực tại Việt Nam và được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp.

Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, các tiện ích trên mạng xã hội, các hoạt động báo chí ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và phổ biến tới người dân. Thông tin báo chí trở nên phổ thông, minh bạch, công khai. Điều này đã được Chính phủ, các địa phương tại Việt Nam sử dụng trong quá trình điều hành, quản lý, xã hội, trong đó có việc phát hiện, xử lý các sai phạm, tiêu cực từ cơ sở trong mọi hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội. 

Bên cạnh việc tạo điều kiện và tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do biểu đạt thông tin, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc áp dụng và thông qua pháp luật để xử lý các hành vi lợi dụng báo chí, quyền biểu đạt thông tin để xuyên tạc, đưa tin sai sự thật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. 

Liên quan đến dịch viêm phổi cấp do COVID-19 gây ra là một ví dụ. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” được phát đi từ người đứng đầu Chính phủ, các giải pháp phòng, chống dịch đã được Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương tới tỉnh, thành phố khẩn trương áp dụng để đẩy lùi đại dịch. 

Thế nhưng, lợi dụng vấn đề này, không ít cá nhân đã đăng tải, đưa các thông tin sai sự thật lên mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận, quần chúng nhân dân. Nhiều thông tin đăng tải gây hiệu ứng xã hội xấu, ảnh hưởng tiêu cực tới công tác phòng, chống dịch của các cơ quan y tế, chính quyền các cấp. 

Trước tình hình trên, với quan điểm thiết lập nguồn thông tin phục vụ chống dịch, Chính phủ, các địa phương đã chủ trương huy động các cơ quan báo chí chính thống vào cuộc; tận dụng tối đa những tiện ích trên nền tảng Internet, thông tin tới người dân biết rõ tình hình đang diễn ra cũng như cách thức phòng, chống dịch. Đồng thời, áp dụng các biện pháp xử lý các hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc để răn đe và cảnh tỉnh những trường hợp sai phạm tương tự.

Cách thức thiết lập và vận hành khái niệm “tự do báo chí” tại Việt Nam vì thế cũng xoá bỏ những nhận thức sai lầm khi tuyệt đối hóa quyền tự do ngôn luận, quyền sử dụng mạng xã hội; coi đó là quyền không có giới hạn, kể cả việc đưa thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt lên mạng xã hội, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Những hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý một cách nghiêm khắc trên nền tảng quy định của pháp luật. 

Đó cũng là cách thức Việt Nam khẳng định với thế giới và với cả RSF rằng: Việt Nam không bao giờ xử phạt các nhà báo, người đứng lên biểu đạt thông tin mà xử phạt những kẻ gây phương hại cho an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, vi phạm luật pháp Việt Nam.

(CAND)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *