“Không đánh” cũng thua
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 càng đến gần, các lực lượng thù địch và cơ hội chính trị càng điên cuồng chống phá.
Chỉ tính riêng tổ chức khủng bố Việt Tân đã duy trì khoảng 1.000 tài khoản trên mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những bài viết, thông tin tiêu cực trong xã hội nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Cùng đó, nhiều nhóm “dân chủ” trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô ủng hộ, kích động một số đối tượng sử dụng chiêu trò “tự ứng cử” để hòng gây rối, phá hoại bầu cử.
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trải qua 14 kỳ bầu cử. Đó là những dấu ấn trên con đường đấu tranh giành độc lập, xây dựng Tổ quốc. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi những con người mang lòng thù hận mù quáng, những kẻ cơ hội “đục nước béo cò” luôn có những hành động chống phá trước và trong mỗi kỳ bầu cử Quốc hội.
Trực tiếp đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là một giải pháp đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực. Hình thức đấu tranh này vạch trần những âm mưu, thủ đoạn thâm độc chống phá cách mạng Việt Nam, để các tầng lớp nhân dân vững tin theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bầu ra những ĐBQH, đại biểu HĐND đủ đức, đủ tài xây dựng đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh hình thức đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về những thành tựu của các kỳ Quốc hội, những thành tựu của đất nước kể từ ngày giành lại độc lập, đặc biệt là giai đoạn đổi mới.
Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực là một hình thức đấu tranh luôn thể hiện rõ tính hiệu quả. Ở mỗi khóa, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận. Đơn cử, Quốc hội khóa I (1946-1960)-Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập-là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới. Quốc hội đã thông qua hai bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có bản Hiến pháp năm 1946-bản Hiến pháp đầu tiên mở ra tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Quốc hội khóa I đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, với Chiến thắng Ðiện Biên Phủ lừng lẫy, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Quốc hội khóa XV tới đây sẽ tiếp tục là một kỳ Quốc hội đáng nhớ. Bởi, 14 khóa Quốc hội trước đã trở thành một nền tảng vững chắc, để Quốc hội khóa XV dần hiện thực hóa ước mơ xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Khi thành tựu của các khóa Quốc hội nói riêng, của cả tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung được khẳng định, được in sâu vào tâm thức của toàn thể nhân dân Việt Nam, của bạn bè thế giới, thì những giọng điệu xuyên tạc, đi ngược lại thực tế lịch sử sẽ trở nên lạc lõng. Khi ấy, “không đánh” thì những thế lực thù địch, cơ hội chính trị cũng tự chuốc lấy thất bại.
HUY ĐĂNG/QĐND