Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam là không thể phủ nhận
Kể từ khi được thành lập (03/02/1930) cho đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam là đảng chính trị duy nhất được đại bộ phận nhân dân tin tưởng, lựa chọn để lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam; đã đồng hành cùng với những thăng trầm của đất nước trong hơn 90 năm qua, lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng tháng Tám thành công, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ (Pháp) và mới (Mỹ), cùng bè lũ tay sai của chúng, thu giang sơn về một mối; thực hiện công cuộc đổi mới thành công và bảo vệ toàn vẹn cương vực lãnh thổ của đất nước, đưa vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng cao trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, với định kiến chính trị và góc nhìn phiến diện, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thủ đoạn mà các thế lực này thường sử dụng đó là xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận cơ sở lý luận về vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ra sức lợi dụng những tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội, nhất là tình trạng tham nhũng trong một phận cán bộ, đảng viên, để gây “nhiễu” dư luận, xuyên tạc bản chất của chế độ; coi những tiêu cực đó là do sự lãnh đạo yếu kém của Đảng. Từ đó, bọn chúng lớn tiếng hô hào đòi “thay đổi chế độ”, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, đòi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp năm 2013, tức là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.
Hiến pháp 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như vậy, vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp và cần khẳng định rằng, Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của Nhà nước và xã hội, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam. Với sự thừa nhận đó, Đảng có trọng trách trong việc lãnh đạo xây dựng bộ máy chính quyền, trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại để giành thắng lợi cho cách mạng.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: Dưới sự lãnh đạo của Đảng “đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện”; “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. “Những thành tựu đó có được trước hết là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp lợi ích và nguyện vọng của Nhân dân; tạo được niềm tin và động viên Nhân dân quyết tâm thực hiện con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Những đánh giá, nhận định của Đại hội XIII là hoàn toàn chính xác, khách quan; do đó, mọi âm mưu, luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đều là biểu hiện của động cơ chính trị đen tối, mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần đề cao cảnh giác, tích cực vạch trần và kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, luận điệu chống phá để khẳng định và bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trên cả phương diện lý luận, pháp lý và thực tiễn.
(TH)