KHÔNG ĐƯỢC PHÉP MANG HÌNH ẢNH NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ RA LÀM TRÒ ĐÙA!

Ủy ban Dân tộc mới đây đã có công văn gửi Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin- Truyền thông) đề nghị xử lý trường hợp vi phạm của kênh youtube A Hy TV.

Ảnh minh họa.

Kênh này đã sử dụng những hình ảnh bôi nhọ người dân tộc miền núi. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên các kênh youtube hay các clip phát tán trên mạng sử dụng những hình ảnh phản cảm mang tính bôi nhọ người dân tộc như thế này.

Ủy ban Dân tộc đề nghị Cục Phát thanh – Truyền hình và thông tin điện tử căn cứ vào nội dung các điều khoản cụ thể của Luật An ninh mạng, Nghị định 05 về công tác dân tộc, Nghị định 15 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông để cho kiểm tra và có hình thức xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của kênh youtube bôi nhọ hình ảnh người dân tộc thiểu số.

Trước đó, Ủy ban Dân tộc nhận được phản ánh về một số tiểu phẩm trên mạng xã hội bôi nhọ hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số, gây bức xúc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và những người có hiểu biết, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, sinh hoạt của người dân tộc.

“Nội dung một số tiểu phẩm có nhiều hình ảnh, lời thoại và thông tin tục tĩu, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và nhân quyền của người dân tộc thiểu số và gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc. Điển hình là trường hợp kênh youtube “A Hy TV”, với hơn 721.000 lượt theo dõi”, công văn nêu.

Theo Ủy ban Dân tộc, việc này đi ngược lại nội dung khoản 2 điều 5 Hiến pháp năm 2013: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.

Chưa kể, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, những tiểu phẩm như trên còn tạo ra sự hiểu lầm về văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Chính vì thế, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ trương, chính sách dân tộc của nhà nước ta.

Hiện kênh “A Hy TV” có lượng người theo dõi khá lớn, khoảng 723.000 lượt. Nhân vật chính của kênh này là A Hy – một người dân tộc hay có hành vi, lời nói ngây ngô, thiếu hiểu biết.

Ngôn từ, hình ảnh trong clip mang tính giễu cợt, gợi dục rất phản cảm. Rõ ràng, mục đích của kênh này là sử dụng những câu chuyện, hình ảnh người dân tộc nhằm gây cười, mua vui cho thiên hạ.

Việc xuất hiện nhiều hình ảnh phản cảm thể hiện sự kỳ thị, thậm chí coi thường người dân tộc thiểu số, vốn là những người yếu thế trong xã hội. Và đáng buồn, khi những câu chuyện thiếu nhân văn như vậy lại thu hút lượng người theo dõi khá lớn.

Điều đáng nói ở đây là không chỉ có “A Hy TV” sử dụng hình ảnh người dân tộc thiểu số để gây cười mà một số diễn viên hài chuyên nghiệp làm tiểu phẩm hài cũng sử dụng hình ảnh họ để chế giễu, mua vui.

Những clip như “Anh dân tộc nát rượu”, “Anh tộc ngố”, “Cười lộn ruột khi dân tộc đi uống bia”, “A Lử đi bắt vợ”… đều có xu hướng mô tả người dân tộc thiểu số nghèo khổ, ngây thơ, lạc hậu, thường bị bắt nạt khi ra thành phố.

Thậm chí có video còn có thái độ bôi bác, coi người dân tộc thiểu số là đáng thương, đói nghèo, lếch thếch, xa lạ với văn minh… Những clip, video đó được đăng tải trên mạng xã hội và tốc độ lan truyền của nó khá nhanh. Vì thế, nó gây những hiểu nhầm, sai lệch về văn hóa, con người ở những vùng đất xa xôi đó.

Trước đó, ngày 23/2, chủ kênh youtube “Chị thám tử” đã đăng tải video dài 5:29′ có tên “Trúng phải độc dược thôi miên, mất trắng tài sản”, sử dụng hình ảnh một người phụ nữ Chăm, trong trang phục truyền thống của người Chăm thôi miên cướp tài sản.

Ngay lập tức, video này vấp phải phản ứng từ cộng đồng Chăm. Điều đó cũng thể hiện thái độ coi thường văn hóa của người dân tộc. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Kiều Maily, chuyện này không chỉ lần đầu tiên xảy ra.

Rất nhiều lần trước đây, một số trang cá nhân, cụ thể là facebook của “Nick Thay Sơn” đã đăng tải video có nội dung người Chăm đi bán thuốc dạo. Lời thoại trong video này cũng tương tự người Chăm đi thôi miên cướp tài sản và bắt cóc trẻ em. Cũng may, video chỉ được đăng trên trang cá nhân bình thường, không phải trên một kênh youtube với lượng người xem lớn như trường hợp “Chị thám tử”.

Thực tế, nhiều kênh đã sử dụng hình ảnh, những câu chuyện khôi hài của họ để câu khách. Đó là sự kiếm view một cách dễ dãi và vô văn hóa.

Nhưng sâu xa và nghiêm trọng hơn là thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số. Theo chị Kiều Maily: “Phê phán một nét văn hóa (hủ lậu) là công việc đáng làm, khác với việc bêu xấu tính cách cả một dân tộc thông qua một tính cách của một cá nhân nào đó.

Cho rằng cả dân tộc đó (màu da như vậy, ăn mặc như vậy, tên gọi như vậy…) là kỳ thị dân tộc với hậu quả đôi khi tàn khốc, ai cũng biết. Tôi nghĩ rằng mỗi cá nhân hoặc một nhóm, hay một tổ chức nào đó phải tự đặt cho mình những giới hạn không vượt qua dựa trên đạo làm người, cũng như những quy tắc về văn hóa, nhất là khi quyền của dân tộc ít người đã được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo hộ.

Thói quen này cũng có thể đi ra từ một tâm thức xa hơn, từ một phông văn hóa đã cũ kỹ còn sót lại từ ngàn năm Bắc thuộc, coi là man di mọi rợ các giống dân thiểu số Đông Tây. Có lẽ, vì họ chưa hiểu rằng, một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa như Việt Nam, tất cả các giống dân, các nền văn hóa khác nhau chính là tài nguyên to lớn làm giàu cho tất cả các cộng đồng chung sống”.

Chúng ta luôn tự hào Việt Nam là một đất nước đa dạng về văn hóa với sự có mặt của 54 dân tộc. Chính sự khác biệt về văn hóa, sinh hoạt giữa các tộc người đã góp phần làm nên sự đa dạng đó.

Tin tức vùng cao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *