Không thể phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam
Một trong những âm mưu của các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng Việt Nam là đưa ra những quan điểm sai trái nhằm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam. Nhất là sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch, phản động cấu kết với các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đưa ra đủ thứ quan điểm, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Một câu hỏi chúng tự đặt ra: “Việt Nam quá độ đi đâu?”, rồi lại tự lèo lái dư luận rằng, Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, thế nên “Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam không bao giờ vượt qua được các chặng đường quá độ gian khổ đó và không thể đi đến cái đích của CNXH”.
Nguyên Anh, một kẻ thường xuyên, liên tục có những bài viết công kích, bôi nhọ Đảng và nhà nước Việt Nam gần đây cho ra đời bài viết “Đi lên XHCN chỉ là phỉnh phờ, bịp bợm” đăng trên mạng xã hội với thái độ hết sức xấc xược, cho rằng: “Đảng csVN thường ra rả cái câu: “Đi lên xã hội chủ nghĩa là khát vọng của nhân dân ta…” và cho rằng dân tộc Việt Nam chọn cho mình con đường đi lên xã hội chủ nghĩa. Thực ra đây là cách nói nhét chữ vào mồm người dân…Chỉ có đám bất lương băng đảng csVN chúng mới nói như thế, chúng vẽ ra một cái bánh đẹp đẽ để câu giờ nhằm đè đầu cỡi cổ một dân tộc cùng với chính sách cai trị bằng bạo lực”. Rồi Nguyên Anh ngạo ngược và kích động: “Vì thế toàn dân Việt Nam phải nhận thức được những điều tệ hại của xã hội mình đang sống, tiến hành nhiều giải pháp để làm suy yếu bộ máy cầm quyền tiến tới việc thay đổi thể chế chính trị của quốc gia mình từ một nhà nước độc tài, độc đảng, công an trị trở thành một nhà nước dân chủ, đa đảng và tam quyền phân lập. Trong một xã hội dân chủ mới sẽ không có chỗ đứng cho đảng csVN!”. Xin được nói thẳng đây lại là một thứ lộng ngôn, láo xược, bất chấp sự thật mà các bậc thầy của Nguyên Anh đã kêu gào suốt gần 50 năm qua. Cái đau đớn cho lũ người hậm hực trong bất lực này là Việt Nam vẫn vững bước đi lên trên con đường CNXH đem lại hạnh phúc cho nhân dân, được thế giới, kể cả Mĩ và các nước phương Tây phải thừa nhận và nể phục.
Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước XHCN thế giới thì vấn đề đi lên CNXH ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước XHCN Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ hoạ với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản (CNTB). Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường XHCN! Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay CNTB, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?
Chúng ta thừa nhận rằng, CNTB chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học – công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Từ giữa thập kỷ 70 và nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, để thích ứng với điều kiện mới, CNTB thế giới đã ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy các chính sách “tự do mới” trên quy mô toàn cầu và nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển. Tuy nhiên CNTB vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt là năm 2008 – 2009 chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu hết các nước trên thế giới. Các nhà nước, các chính phủ tư sản ở Phương Tây đã bơm những lượng tiền khổng lồ để cứu các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tổ hợp công nghiệp, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán… nhưng không mấy thành công. Và hôm nay chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội TBCN: đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc; và ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu tình, bãi công làm rung chuyển cả thể chế. Sự thật cho thấy bản thân thị trường tự do của CNTB không thể giúp giải quyết được những khó khăn và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu. Sự thật đó cũng làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình phát triển vốn xưa nay được coi là thời thượng được không ít các chính khách tư sản ca ngợi. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản.
Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm…Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Với những cơ sở đó, chúng ta có thể khẳng định rằng: Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH “là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đây là thời kỳ chuẩn bị mọi điều kiện vật chất, tinh thần đi lên CNXH còn vô vàn khó khăn, bởi do điểm xuất phát và hoàn cảnh đi lên CNXH của nước ta, do vậy cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và cần có một thời gian quá độ không ngắn mới có thể đạt tới xã hội XHCN như mong muốn.
Nguyên Anh và các thế lực thù địch, chống phá nên nhớ: “chó cứ sủa, đoàn người vẫn tiến lên”. Không có một sự xuyên tạc, bịa đặt nào có thể lung lạc được người dân Việt Nam đi theo con đường CNXH mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã lựa chọn từ hơn 90 năm trước.
Hoàng Chí Bính/HSV