Không thể phủ nhận, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc ta, đồng bào Khmer Nam Bộ là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; luôn phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, cùng đồng bào cả nước thực hiện công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, xây dựng vững mạnh toàn diện, không thế lực nào có thể phủ nhận và phá hoại được.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, hùa theo sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động người Khmer trong và ngoài nước đang lợi dụng triệt để những tồn tại, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý điều hành của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, cùng những khó khăn của một bộ phận đồng bào Khmer, nhất là ở vùng sâu, vùng xa để kích động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết giữa các dân tộc; trong đó, tổ chức “Liên đoàn Khmers Kampuchea Krom – KKK – KKF” là một trong những điển hình. Chúng đã triệt để tận dụng các “diễn đàn” quốc tế, tiếp xúc với chính khách các nước phương Tây để gia tăng hoạt động xuyên tạc, vu cáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam nói chung, vùng đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng.

Bất chấp sự thật lịch sử: vùng đất Tây Nam Bộ là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào Khmer, các thế lực thù địch ra sức vu cáo Việt Nam “cướp đất” Campuchia; xuyên tạc trắng trợn chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, nhất là những vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer. Để khuyếch trương thanh thế, họ quy tụ những đối tượng người Khmer đã từng tham gia ngụy quân, ngụy quyền, những trí thức và cá nhân có tư tưởng cực đoan, bất mãn để lôi kéo tham gia các tổ chức chống đối, như: “Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia Krôm (KKNLF)”, “Quốc hội Khmer Krôm hải ngoại”, v.v. Đồng thời, hỗ trợ một số tổ chức phản động ở nước ngoài xuất bản các ấn phẩm để công bố những thông tin theo suy diễn chủ quan của họ, như: Tạp chí “Tiếng nói cộng đồng” ở Campuchia, “Tiếng nói Khmer Campuchia Krôm” ở hải ngoại,… nhằm mục đích quốc tế hóa vấn đề người Khmer Nam Bộ, kích động tư tưởng ly khai, tự trị. Thâm hiểm hơn, chúng thúc đẩy, “vận động” đồng bào Khmer, nhất là đối với các sư sãi trẻ lấy cớ sang Campuchia tu học nâng cao trình độ Phật pháp, nhưng thực chất là xúi bẩy, lôi kéo họ vào tổ chức, đưa đi đào tạo, huấn luyện ở bên ngoài, sau đó đưa về nước nắm giữ các vị trí quan trọng trong Phật giáo Nam tông Khmer nhằm thực hiện âm mưu thành lập: “Nhà nước Khmer Krôm”, v.v.

Song, dù các thế lực thù địch có cố tình xuyên tạc, chống phá thế nào chăng nữa cũng không thể phủ nhận, phá hoại khối đại đoàn kết vững chắc của toàn thể dân tộc Việt Nam; đó là nguồn sức mạnh vô địch để nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, chiến thắng những kẻ thù xâm lược lớn mạnh trong lịch sử; là nguồn động lực to lớn để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Tự thân khối đại đoàn kết ấy đã bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo, vấn đề dân chủ, nhân quyền ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ của các thế lực thù địch; vô hiệu hóa ý đồ kích động “ly khai, tự trị” Tây Nam Bộ; động viên đồng bào Khmer phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước trong thời kỳ đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.

 Lịch sử dân tộc đã minh chứng: đồng bào Khmer ở nước ta là một cộng đồng sinh sống lâu đời trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố của Nam Bộ1; cùng với các dân tộc anh em đã có công khai phá, tạo lập, giữ gìn và bảo vệ vùng đất phía Nam thân yêu của Tổ quốc. Khmer theo tiếng Phạn là “Khê ma ra”, có nghĩa là an bình, hạnh phúc, đồng bào Khmer luôn cần cù lao động, sống nhân ái theo giáo lý đạo Phật, giàu truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu lao động, sống nhân nghĩa, vượt qua muôn vàn thử thách để tồn tại và phát triển.

Trong thời gian xâm lược nước ta, thực dân Pháp thực hiện chính sách “chia để trị”, đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ giữa các dân tộc anh em. Nhưng, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer ở Nam Bộ chuyển sang giai đoạn đấu tranh tự giác, có tổ chức; tình đoàn kết các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa được củng cố, tăng cường; đồng bào Khmer tích cực tham gia vào: “Hội Tương tế ái hữu”, “Nông Hội đỏ”, “Cứu Tế đỏ”, “Hội Ủng hộ Issarăk”, “Hội Cao Miên tự do”, “Ban Sãi vận”, v.v. Qua các phong trào đấu tranh, đồng bào Khmer ngày càng nhận thức rõ hơn và tin tưởng vào khả năng, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống chế độ thực dân, phong kiến, chống phát xít, đòi quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Nhiều thanh niên, trí thức Khmer Nam Bộ đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống lại kẻ thù đã thu hút đông đảo đồng bào Khmer tham gia, nhiều căn cứ kháng chiến của lực lượng yêu nước vùng Tây Nam Bộ được xây dựng và phát triển trong vùng đồng bào Khmer, tạo tiền đề quan trọng cho thắng lợi của cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Khmer Nam Bộ đã tích cực tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dưới ngọn cờ chính nghĩa, đoàn kết của Mặt trận, lực lượng cách mạng trong vùng đồng bào Khmer phát triển nhanh chóng, với các tổ chức cách mạng, như: Ban Khmer vận khu Tây Nam Bộ, Ban Khmer vận các cấp và phát triển cơ sở cách mạng trong giới sư sãi. Nhiều vị sư sãi Khmer đã hoàn tục, trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu; nhiều phong trào đấu tranh công khai của đồng bào và sư sãi Khmer chống các chính sách phản quốc, hại dân của chính quyền tay sai Mỹ – ngụy đã diễn ra ở khắp vùng Nam Bộ, như: chống dồn dân, chống bắn phá chùa chiền, chống lấy chùa làm đồn bốt, v.v. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của hơn hai vạn đồng bào Khmer ở Trà Vinh năm 1967; cuộc đấu tranh của hơn hai trăm sư sãi ở Rạch Sỏi – Kiên Giang; cuộc đấu tranh của bốn vạn đồng bào Khmer ở Trà Cú – Cửu Long,… đã minh chứng tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào Khmer Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, nhiều ngôi chùa của đồng bào Khmer đã trở thành cơ sở cách mạng, nhiều sư sãi, đồng bào Khmer đã dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, nhiều người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng là người Khmer, nhiều sư sãi đã giữ cương vị cao trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đảng đã giác ngộ, dìu dắt nhiều người con ưu tú của dân tộc Khmer tham gia cách mạng, trở thành đảng viên và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, thực hiện nhất quán đường lối, chính sách: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển vùng đồng bào Khmer. Đầu tư hàng trăm tỉ đồng để triển khai các hạng mục, công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ và cộng đồng; xây dựng gần 100 nghìn nhà ở; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho hơn 30 nghìn hộ; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho hàng nghìn người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer mỗi năm giảm 03%, đến nay chỉ còn khoảng 25%; nhiều trang trại, doanh nghiệp do chính đồng bào Khmer làm chủ; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, duy trì và phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer luôn được Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhiều chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên dân tộc Khmer, như: cử tuyển, dự bị đại học, trao học bổng, hỗ trợ tiền, gạo, miễn, giảm học phí; chính sách thu hút đối với giáo viên, cán bộ giáo dục công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đồng bào Khmer được thực hiện có hiệu quả. Hệ thống trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dạy nghề cho con em đồng bào Khmer đã phát triển đến 100% các huyện có đông đồng bào Khmer; tỷ lệ huy động trẻ em Khmer trong độ tuổi đến trường đạt trên 90%. Bình quân hằng năm, có trên 500 học sinh người dân tộc Khmer được tuyển sinh theo hình thức cử tuyển. Việc dạy song ngữ ở các trường tiểu học, trung học cơ sở vùng đồng bào dân tộc Khmer từng bước được mở rộng. Chính quyền địa phương luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên là người Khmer; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với giáo viên và các vị sư sãi tham gia giảng dạy chữ Khmer tại các điểm chùa, trường học. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở hầu hết các trường có đông đồng bào Khmer sinh sống, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Công tác chăm lo sức khỏe cho đồng bào Khmer luôn được cấp ủy, chính quyền chú trọng. Mạng lưới y tế cơ sở thường xuyên được đầu tư, củng cố; chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên; công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn dưới 30%; trung bình mỗi năm có khoảng trên 70 nghìn lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí.

Công tác văn hóa, thông tin và bảo tồn, khai thác, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả. Những năm qua, các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã tăng thời lượng phát sóng các chương trình bằng tiếng Khmer của đài phát thanh các địa phương, đã phát hành báo bằng chữ Khmer; Thông tấn xã Việt Nam đã phát hành báo ảnh song ngữ Việt – Khmer, mở trang Website phục vụ nhu cầu và nâng cao nhận thức của người dân. Nhiều địa phương đã xây dựng nhà truyền thống, trung tâm văn hóa tiêu biểu, Nhà bảo tàng dân tộc Khmer, trưng bày nhiều hiện vật văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị. Một số nơi đã xây dựng các di tích lịch sử văn hóa của đồng bào Khmer; hằng năm, các lễ hội truyền thống được duy trì và tổ chức thu hút đông đảo đồng bào tham gia. Việc giao lưu văn hóa, họp mặt hữu nghị với các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và với nước bạn Campuchia được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước.

Cấp ủy đảng các cấp ở các địa phương trong Vùng thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác tôn giáo nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, giúp cho hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer ổn định, đúng hướng, tạo niềm tin của sư sãi, tín đồ đối với Đảng, Nhà nước. Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ có 453 chùa, trong đó 14 chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; 29 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh; ghi công, khen thưởng 150 chùa có công với cách mạng trong các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước được xây dựng ở cả ba cấp từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động của các cấp hội cơ bản ổn định, nền nếp và hiệu quả. Công tác tu sửa, xây dựng, trùng tu chùa và di tích lịch sử văn hóa của đồng bào Khmer được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, hỗ trợ, với trên 200 ngôi chùa được tu bổ khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Khmer.

Những kết quả trên đã lần nữa minh chứng, tỏ rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân cả nước nói chung, đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng; đồng thời, khẳng định tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa đồng bào dân tộc Khmer với các dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam luôn bền vững, không thế lực nào có thể chống phá, chia rẽ được.

ThS. NGUYỄN MẠNH QUANG/TCQPTD
_________________

1 – Gồm: Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *