Không thể xuyên tạc chính sách quốc phòng của Việt Nam
Đại hội XII của Đảng đã xác định: Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển. Nguyên tắc trên tiếp tục được cụ thể hoá trong từng lĩnh vực. Trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, ngày 25-11-2019, Bộ Quốc phòng công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019.
Nói về những điểm mới trong Sách trắng lần này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, từ chính sách “ba không” trước đây, nay có thể được hiểu một cách đầy đủ và chính xác hơn thành “bốn không” là: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho biết, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung.
Tuỳ vào diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Ngay sau khi Bộ Quốc phòng công bố nguyên tắc “bốn không” kể trên, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã đăng đàn xuyên tạc chính sách quốc phòng của Việt Nam. Các luồng thông tin sai lệch được các đối tượng đưa ra khiến tình hình trở nên phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người dân.
Xét về chính sách quốc phòng, từ lâu, Đảng, Nhà nước ta thực hiện chủ trương “ba không”, bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Như thông tin nói trên của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, chính sách quốc phòng hiện nay được hiểu đầy đủ thành “bốn không”. Trong đó, có chủ trương “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Chính sách quốc phòng nói trên là phù hợp với đường lối đối ngoại của đất nước, phù hợp với lịch sử dựng và giữ nước và tình hình thực tiễn của Việt Nam. Việc xuyên tạc, chống phá chính sách quốc phòng của Việt Nam không phải là động thái mới.
Tuy nhiên, sau khi Sách trắng quốc phòng Việt Nam 2019 được công bố, các đối tượng lại đẩy mạnh việc chống phá, suy diễn, xuyên tạc nhiều vấn đề trong chính sách quốc phòng. Các đối tượng cho rằng chính sách “bốn không” như trên là “tự trói tay chân mình”; là “không đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”; là lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với thực tế, đi ngược lại với xu thế toàn cầu hoá…
Đặc biệt, lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông, các đối tượng đã đả kích, xuyên tạc, cho rằng nếu thực hiện chính sách quốc phòng như trên thì Việt Nam sẽ không thể giữ vững chủ quyền, không thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đi đôi với việc phê phán, chỉ trích chính sách quốc phòng của Việt Nam, các đối tượng tìm cách hô hào, cổ suý tư tưởng phải dựa dẫm, lệ thuộc vào các nước khác, đặc biệt là các quốc gia phương Tây.
Bàn về chính sách quốc phòng của Việt Nam, chúng ta cần nhìn nhận một cách toàn diện, đầy đủ. Về mặt lịch sử, trải qua quá trình đấu tranh dựng và giữ nước, chúng ta đã đúc kết được bài học vô cùng quý báu là thực hiện đường lối quân sự độc lập, tự chủ, gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện về mọi mặt của Đảng. Sức mạnh nội lực, tự lực, tự cường luôn là nguồn sức mạnh to lớn nhất, vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, khi các mối quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, bên cạnh việc hợp tác cùng phát triển, giữa các quốc gia vẫn luôn tồn tại sự cạnh tranh với nhau. Suy cho cùng, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, là vĩnh viễn. Chính sách quốc phòng có vai trò đặc biệt quan trọng, quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc.
Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta cần củng cố và phát huy tối đa sức mạnh nội tại, đồng thời tranh thủ sức mạnh thời đại. Trong đó, điều kiên quyết là sức mạnh nội lực phải đứng ở vị trí trọng tâm, không thể dựa dẫm, phụ thuộc, trông chờ vào sự cứu cánh bên ngoài.
Việc Việt Nam thực hiện chính sách không tham gia liên minh quân sự không phải là hành động “tự trói tay chân” như các đối tượng vẫn rêu rao. Thực tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của lĩnh vực quốc phòng.
Thời gian qua, lực lượng Quân đội Việt Nam đã được đầu tư, phát triển và ngày càng tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc tăng cường sức mạnh nội lực, không tham gia vào các liên minh quân sự cho thấy sự chủ động trong chính sách quốc phòng của Việt Nam.
Với chính sách này, chúng ta có thể đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm chủ quyền, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, chúng ta cũng cần hiểu rõ, việc Việt Nam không tham gia vào các liên minh quân sự không đồng nghĩa với việc chúng ta khép mình với thế giới bên ngoài. Trong lĩnh vực quân sự, chúng ta vẫn luôn có sự giao lưu, học tập và tranh thủ sức mạnh của bạn bè quốc tế.
Mặt khác, thông qua chính sách quốc phòng có thể thấy rõ thiện chí của Việt Nam trong việc thúc đẩy hoà bình trên thế giới. Chúng ta kiên định thực hiện các chính sách không liên kết nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài mượn căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Các chính sách này hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Việc các đối tượng xuyên tạc chính sách quốc phòng của Việt Nam không phải là sự “góp ý, hiến kế” mà đây chính là chiêu bài nhằm kích động; chống phá Đảng, Nhà nước, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực quốc phòng, hiện thực hoá mưu đồ “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang. Ngoài ra, chúng ta cần xác định rõ, tất cả các liên minh quân sự đều bắt nguồn từ việc chia sẻ lợi ích. Không một quốc gia nào sẵn sàng hy sinh vì quốc gia khác.
Mục đích sâu xa khi các đối tượng kêu gọi, hướng lái Việt Nam tham gia vào các liên minh quân sự, đặc biệt là liên minh với các quốc gia phương Tây (là những nước có chế độ chính trị khác với Việt Nam) nhằm đưa Việt Nam đi vào quỹ đạo lệ thuộc, thông qua đó để tiến hành thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất xã hội của chúng ta. Nếu chúng ta không thực hiện đường lối quốc phòng độc lập, tự chủ, chính bản thân chúng ta sẽ bị chuyển hoá, lệ thuộc.
Trong trật tự thế giới đa cực hiện nay, các mối quan hệ quốc tế trở nên vô cùng phức tạp. Ranh giới giữa đối tác, đối tượng tồn tại đan xen lẫn nhau; trong cùng một chủ thể có những khía cạnh là đối tác để chúng ta tranh thủ, hợp tác nhưng cũng có những khía cạnh là đối tượng để đấu tranh.
Chính vì vậy, việc nghiêng vào bất cứ phe nào, phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào cũng không phải là sự lựa chọn thích hợp. Chỉ có phát huy sức mạnh độc lập, tự chủ mới là cách thức tối ưu nhất để bảo vệ Tổ quốc.
CAND