Kumanthong – niềm tin mù quáng rùng rợn và những chiêu trò “buôn thần bán thánh”

Búp bê Kumanthong có năng lực thực sự hay chỉ là chiêu trò “buôn thần bán thánh” lợi dụng những câu chuyện ma mị để trục lợi?

Hình ảnh những búp bê Kumanthong (theo tiếng Thái Lan) hay ở Việt Nam được biết đến với tên gọi Quỷ linh nhi gần đây đang xuất hiện nhiều trên mạng xã hội hay thậm chí là trên một số trang báo.

Đáng chú ý, một nữ YouTuber với hàng triệu người theo dõi, đa phần trong số đó là trẻ em, đã đăng tải một số clip ghi lại cảnh cô ôm một con búp bê giống Kumanthong, trên tay cầm chiếc vòng để “xin vía học giỏi”. Những video này khiến rất nhiều phụ huynh cảm thấy bức xúc vì không phù hợp với trẻ em và có dấu hiệu mê tín dị đoan.

Nhiều clip trên mạng xã hội thể hiện năng lực của loại búp bê này khiến không ít người tin tưởng rằng đây là chuyện có thật, sự thực ra sao? Búp bê Kumanthong có năng lực thực sự hay chỉ là chiêu trò “buôn thần bán thánh” được các gian thương lợi dụng những câu chuyện ma mị để trục lợi?

Cung phụng Kumanthong vì sợ bị “quật”?

Dùng dây chuyên lắc đi lắc lại là cách để một cô gái ở Hưng Yên nói chuyện với búp bê Kumanthong.

Cô gái chia sẻ về việc nuôi Kumanthong: “Việc ăn uống làm theo ý của nó. Làm gì cũng phải hỏi nó vì sợ nó giận. Nó đồng ý thì mình mới được làm. Trong thâm tâm em rất sợ. Nó giận nó sẽ quay lại phản mình nên càng cố nuôi nó chứ không dám đuổi nó đi. Nếu bị trầy xước hay tím thì người ta bảo nó bị đánh, phải mua vàng, phải vàng ta, vàng tây nó không thích”.

Đâm lao nên phải theo lao, mặc dù sợ nhưng không dám bỏ, lý do là vì người bán hàng luôn nhồi nhét vào đầu óc cô gái này những câu chuyện về việc bị Kumanthong “quật” nếu như không cung phụng.

Khi nuôi Kumanthong, người nuôi sẽ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để chi trả hàng ngày cho những bữa ăn hay quần áo mà chúng mặc, trung bình mỗi tháng khoảng từ 3 – 5 triệu đồng.

Theo Phó Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc nuôi hay buôn bán Kumanthong được cho là một dạng tà tín, mê tín dị đoan và trái với luật nhân quả. Còn dưới góc độ văn hóa, đây là vấn nạn đi ngược lại với giá trị truyền thống của người Việt.

Bùa ngải Kumanthong thực chất đã tồn tại hàng trăm năm nay, bên cạnh đó là những câu chuyện rùng rợn về siêu năng lực của loại bùa ngải này cũng được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội dẫn đến tâm lý hoang mang cho người đọc, khiến cho nỗi sợ hãi lại trở thành động lực dẫn đường cho những người nuôi hay chính những người bán hàng phải tiếp tục cung phụng một chú búp bê vô tri vô giác một cách phản khoa học.

Vạch trần chiêu trò “buôn thần bán thánh” bằng Kumanthong

Chính mạng xã hội và những clip không có căn cứ khoa học mà năng lực của Kumanthong đã được thổi phồng lên. Cũng từ đây, cùng với sự sợ hãi, ước vọng làm giàu nhờ tâm linh của nhiều người mà Kumanthong đã trở thành một món hàng dễ buôn bán và trục lợi kiếm lời.

Đây là những Kumanthong được người bán hàng khẳng định là có bùa phép đen mạnh nhất hiện nay. Hình thù kỳ dị cũng như những chất liệu đặc biệt khiến cho những con Kumathong này có giá lên tới hơn 6 triệu đồng.

Người bán còn đưa ra 1 clip và khẳng định những Kumanthong này có năng lực di chuyển được đồ vật.

Năng lực siêu nhiên nhưng vẫn phải phụ thuộc các định luật vật lý cơ bản, ngay cả việc cho Kumanthong uống nước, vốn là bài tủ thể hiện khả năng của các loại búp bê ma này. Nhưng dù người bán đã trổ hết tài nghệ, trong suốt nửa tiếng đồng hồ cũng chẳng có hiện tượng gì xảy ra.

Nếu để ý một chút thì dễ dàng thấy rằng những hình ảnh Kumathong uống nước, uống sữa được lan truyền trên mạng xã hội hầu hết đều do những người bán Kumanthong hoặc bán hàng online đưa lên. Việc thực hiện những clip này không có gì khó khăn, ngay cả với những đồ vật thông thường.

Tại Thái Lan, Kumanthong được xem như một nét văn hóa truyền thống, không hề mang ý nghĩa tà đạo, ma thuật, người dân ở đây coi Kumanthong như thần tài, mang lại may mắn. Bởi vậy Kumanthong có thể thấy ở các xe bán hàng rong hay các cửa hàng ven đường.

Có sở thích sưu tầm các Kumanthong cổ, anh Minh Châu (Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên sang Thái Lan để tìm kiếm. Một trong những địa điểm được nhiều người ghé thăm là các khu chợ truyền thống, thay vì hét giá hàng triệu đồng như ở Việt Nam, phần lớn Kumanthong ở đây được bán đồng giá 50 Bath (tức là chưa đến 50.000 đồng) và hoàn toàn không có bất cứ một bộ phận cơ thể người nào.

Chính phủ Thái Lan cũng đã nghiêm cấm việc chế tạo và buôn bán Kumanthong từ các bộ phận cơ thể người từ rất lâu. Tuy nhiên, lợi dụng các câu chuyện mê tín dị đoan được đồn thổi, những cửa hàng bán bùa ngải online vẫn ngày đêm hái ra tiền bằng hành vi “buôn thần bán thánh”.

Tại Việt Nam, việc buôn bán mê tín dị đoan đã có khung hình phạt xử lý. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết còn thực tiễn để thực hiện thì lại không hề dễ dàng.

Theo vtv.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *