CHỈ CÓ NHỮNG KẺ “GHEN ĂN TỨC Ở” MỚI XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Hơn 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đã làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước được nâng cao chưa từng thấy. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. 

Thủ đoạn của chúng là lợi dụng những tồn tại, hạn chế nảy sinh trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, nhất là lợi dụng việc thời gian gần đây, cơ quan chức năng xử lý nhiều đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong đó có những người nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, kích động tâm lý hoài nghi trong xã hội; gây mất niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, chúng ra sức đẩy mạnh xuyên tạc bản chất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta khi cho rằng, nước ta thừa nhận kinh tế thị trường là đang mở đường cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển, phát triển kinh tế tư nhân là quay lại đúng quỹ đạo để phát triển theo tư bản chủ nghĩa, mở đường cho “tư nhân hoá”, “tự do hoá” về kinh tế…. Ngoài ra, chúng còn lợi dụng các hoạt động đầu tư, thương mại, viện trợ kinh tế… để gây sức ép về chính trị, đặt ra những điều kiện ràng buộc trong quan hệ ngoại giao, từ đó tìm mọi cách can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Cần khẳng định rằng, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta đang xây dựng là “một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường”, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta được xác định dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất chủ yếu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, song kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Nước ta thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân với phương diện là con đường để huy động vốn, phát triển khoa học, công nghệ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân chứ không phải là mục tiêu của nhiệm vụ xây dựng quan hệ sản xuất mới. Để đảm bảo yếu tố định hướng XHCN, nền kinh tế thị trường ở nước ta không phải là hoàn toàn tự do mà đặt trong “khuôn khổ”, đó là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam.

Tóm lại, các âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực kinh tế của các thế lực thù địch là cực kỳ nguy hiểm, vì nó có tác động mạnh mẽ và gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế nước ta. Đây là một mũi tiến công của các thế lực thù địch nhằm chuyển hoá cách mạng nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, việc đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực kinh tế là việc làm cấp thiết và vô cùng quan trọng. Để thực hiện chúng ta phải cần tỉnh táo, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác; nhận diện và nắm chắc những thủ đoạn chống phá nước ta trên lĩnh vực kinh tế của các thế lực thù địch để kịp thời đưa ra những biện pháp phòng chống và đấu tranh có hiệu quả.

(SDV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *